Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, từ năm 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh này đạt trên 98 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tăng bình quân 14%/năm. Đây cũng là địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đầu cả nước.
Một tuyến đường mới mở trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Ảnh: K.V)
Trong tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói trên của Bình Dương thì vốn ngân sách Nhà nước chiếm 24,8%, còn lại là đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, trong đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh Bình Dương đã làm tốt công tác xã hội hóa. Đặc biệt, một số dự án lớn tỉnh đã không dùng vốn ngân sách để đầu tư mà dùng vốn từ các doanh nghiệp, cá nhân.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Bình Dương đã chủ động tìm nguồn vốn và nhà đầu tư để đầu tư xây dựng mới các tuyến đường do Trung ương quản lý và quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh này như đường Mỹ Phước-Tân Vạn; cầu Thới An; đường vành đai 4 qua địa bàn tỉnh; quốc lộ 13… Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch, kết nối vùng cũng được tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thông suốt mạng lưới giao thông địa phương với mạng lưới giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, những công trình giao thông quan trọng cũng được Bình Dương tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng như dự án nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 62km; nâng cấp mở rộng toàn tuyến ĐT741 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 49km; đầu tư xây dựng mới các cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội qua sông Đồng Nai kết nối với tỉnh Đồng Nai…
Công tác quy hoạch phát triển, hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công trình phục vụ nâng cấp, chỉnh trang đô thị cũng được đầu tư. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, vận động nhân dân tham gia đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã trải nhựa và bê tông được 1.892km đường trục xã, liên xã; hơn 1.100km đường trục ấp, xóm cũng được trải vật liệu cứng.
Trong giai đoạn 2016 đến 2020, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của Bình Dương dự kiến hơn 36.000 tỷ đồng. Để huy động và phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Dương, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ rà soát, cập nhật các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để kế hoạch hóa các nguồn lực đầu tư. Các ngành và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế tài chính gắn liền với đất; chú trọng phát triển quỹ đất gắn với các khu đô thị và những vùng có tiềm năng theo hướng mở rộng không gian đô thị, nâng cao giá trị quỹ đất.../…
K.V / dangcongsan.vn