Sản xuất smartphone Việt cao cấp, giá cao như Bphone 2 hay bình dân giá rẻ như Mobiistar có tồn tại trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt tại thị trường Việt Nam?
Đua nhau “ra hàng” smartphone
Ngày 8/8, Bkav ra mắt chiếc Bphone 2, sau 2 năm thất bại khi cho ra mắt chiếc Bphone gây nhiều tranh cãi hồi tháng 5/2015.
Điểm khác biệt của Bphone, theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Bkav là “100% thiết kế kiểu dáng, thiết kế điện tử, thiết kế cơ khí và sản xuất của Bphone mới đều được thực hiện ở Việt Nam. Trong đó, thiết kế kiểu dáng, thiết kế mạch điện tử, thiết kế cơ khí do Bkav thực hiện. Ở khâu sản xuất, mẫu điện thoại mới được hoàn thiện bởi Bkav và các đối tác 100% tại Việt Nam”.
Bphone 2 có tổng cộng hơn 900 linh kiện từ hàng trăm đối tác. Tuy nhiên, chỉ 0,9% trong số đó đến từ Hồng Kông và Trung Quốc và đều là “các chi tiết không quan trọng”.
Một trong những đối tác in mạch cho mẫu Bphone mới của Bkav được biết đến là Meiko Electronics Việt Nam, chuyên sản xuất bảng mạch PCB cung cấp cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple. Meiko Electronics Việt Nam có trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội) và có 4 nhà máy tại Nhật Bản, 2 nhà máy tại Trung Quốc.
Cùng thời điểm ra mắt Bphone 2, smartphone của Asanzo (nhà sản xuất TV Việt), với tên gọi Z5 sẽ được bán với giá dưới 5 triệu đồng. Sản phẩm được lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam.
Asanzo đã đầu tư một nhà máy lắp ráp smartphone tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ông Phạm Văn Tam, Giám đốc Công ty Asanzo cho biết, nhà máy của Công ty có khả năng lắp ráp trên 600 sản phẩm/ngày và kỳ vọng doanh số của smartphone do Hãng bán ra sẽ đạt khoảng 20.000 máy/tháng.
Trước đó, tháng 7/2017, VNPT Technology đã ra mắt chiếc smartphone Vivas Lotus S3 LTE. Vivas Lotus S3 LTE là sản phẩm thứ 5 thuộc dòng điện thoại smarphone Vivas Lotus, với cấu hình vượt trội và lợi thế hỗ trợ mạng 4G LTE. Đây là thành quả của quá trình nghiên cứu và phát triển lâu dài từ các kỹ sư VNPT Technology - Công ty chủ lực của Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ, công nghiệp điện tử viễn thông.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển công nghệ VNPT Technology, sản phẩm Lotus S3 LTE được nghiên cứu bởi các kỹ sư, chuyên gia của VNPT Technology và mọi công đoạn đều được sản xuất tại nhà máy ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (TP. Hà Nội).
Trong khi đó, Tập đoàn Viettel đang âm thầm sản xuất mẫu smartphone cao cấp có thể chống nghe lén đầu tiên do chính Viettel sản xuất, mang tên Viettel Luxury Phone. Smartphone này có chip do Viettel nghiên cứu và sản xuất được giới thiệu có nhiều tính năng bảo mật, và là chiếc smartphone cao cấp nhất từ trước đến nay của Tập đoàn.
“Nghĩa địa” smartphone Việt
Ngoài một số ông lớn như VNPT, Viettel, Bkav… tiếp tục con đường chông gai sản xuất smartphone, phần lớn các thương hiệu smartphone Việt đều bị “khai tử” sau một thời gian ngắn ra mắt.
Giai đoạn 2009 – 2010, Q-Mobile của Viễn thông An Bình (ABTel), Hi-mobile của HIPT hay Bluefone của CMC, các smartphone dòng F của FPT... đều trong tình trạng “sớm nở tối tàn” và đều đã phải dừng sản xuất.
Điển hình là câu chuyện của HKPhone. Thời gian đầu mới thành lập, đến tháng 6/2013, HKPhone tuyên bố trở thành thương hiệu Việt với nhiều mẫu smartphone giá rẻ, cấu hình cao, cạnh tranh trực tiếp với hai hãng di động trong nước Q-mobile và Mobiistar. Công ty này từng có 120 đại lý bán HKPhone trên toàn quốc. Nhưng đến tháng 4/2015, HKPhone phải đổi tên thành Rovi (Rồng Việt) và thu hẹp hoạt động do smartphone sản xuất ra không bán được và đến cuối năm 2015 thì chính thức… chuyển sang kinh doanh xe đạp điện!
Theo thống kê của GfK Việt Nam, kết thúc năm 2016, smartphone Việt chỉ còn Mobiistar và Masscom là “trụ” được. Doanh số bán ra của Mobiistar hiện đứng hàng thứ 4 chiếm 9% thị phần, còn Masscom ở vị trí thứ 5 với (5% thị phần). Bên cạnh Masscom, Mobiistar, thì Mobell, một thương hiệu Việt quen thuộc với người dùng điện thoại phổ thông cũng đang cố tồn tại với các sản phẩm smartphone giá rẻ. Hiện các mẫu smartphone giá từ 1,5 - 3 triệu đồng của hãng này đang bán khá tốt cho người dùng bình dân khu vực phía Nam.
Điều đáng suy nghĩ là, Mobiistar tồn tại dựa vào mác "điện thoại thương hiệu Việt" để thuyết phục người dùng, theo như lời ông Ngô Nguyên Kha - CEO Mobiistar từng chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng nguồn gốc của mình, nhưng không dùng yếu tố này để thuyết phục người dùng. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào giải quyết nhu cầu người dùng, thuyết phục họ rằng, chúng tôi làm được điều đó”.
Ai sẽ tồn tại?
Có lẽ Mobiistar tồn tại được là nhờ sản xuất các smartphone giá rẻ và đối tượng họ nhắm tới là giới trẻ muốn có một chiếc smartphone chụp ảnh đẹp, selfie ảo diệu, nhưng chi phí hợp lý.
Điều này khác với chiến lược Bkav, VNPT hay Viettel đang hướng tới. Các ông lớn này đang cố gắng sản xuất dòng smartphone cao cấp, đồng nghĩa với lựa chọn đối đầu trực diện với Apple, Samsung, LG và cả Oppo, Xiaomi, Huawei.
Khảo sát 7 thương hiệu có sản phẩm bán chạy nhất 6 tháng đầu năm 2017 có thể thấy, chỉ có Mobiistar có được thị phần trong TOP 5 tại Việt Nam. Nhưng có thể thấy, vị trí của Mobiistar sẽ rất khó được đảm bảo lâu dài, vì các sản phẩm bán chạy nhất của Samsung, Oppo cũng thuộc phân khúc bình dân (từ 4 - 7 triệu đồng).
Trong khi đó, nền tảng công nghệ và làm chủ công nghệ về sản xuất của Bkav, VNPT, Viettel đều non trẻ so với đối thủ đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc. Hơn thế, các nhà sản xuất Việt vẫn đang phải đặt hàng theo yêu cầu, chỉ có một số phần như kiểu dáng, mẫu mã, vỏ… là tự thiết kế, còn về cơ bản vẫn không tự nghiên cứu, sản xuất được. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt chưa tự nghiên cứu, phát triển được công nghệ sản xuất smartphone.
Trong cuộc cạnh tranh của các thương hiệu smartphone, ai sẽ ra đi, ai còn “ở lại” còn là ẩn số. Ẩn số đó, tất nhiên phụ thuộc vào khách hàng.
Đúng như bà Phan Thanh Uyên, đại diện FPT Shop nói: “Đa số nhà bán lẻ đều ủng hộ các hãng thương hiệu Việt. Nếu họ làm ra sản phẩm tốt, chất lượng, đẹp, thu hút người dùng thì họ có thể yên tâm tồn tại và phát triển”.
Hữu Tuấn / baodautu