Việt Nam hiện đã ký thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với 9 nước và đang tiếp tục đàm phán với 7 nước khác.
Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam được xem là nước hưởng nhiều lợi ích nhất khi tham gia Hiệp định thương mại tự do TPP. Giờ đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh rút nước này khỏi TPP, Việt Nam sẽ chuyển hướng sang các nước láng giềng châu Á.
Việc hiệp định này thất bại "sẽ thúc đẩy chúng ta mở rộng sang các thị trường khác", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết. Ông Kiên nói thêm: "Chúng ta có rất nhiều tiềm năng để gia tăng xuất khẩu" vào thị trường ASEAN và một số quốc gia mà Việt Nam có hiệp định thương mại song phương, như Nhật Bản.
Mỹ cho đến nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử, đồ nội thất, giày dép và có lẽ sẽ vẫn là thị trường lớn nhất trong thời gian tới. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu vào Mỹ, đạt 38,5 tỷ USD vào năm 2016. Hiệp định TPP được dự kiến sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn nhiều khoản thuế nhập khẩu mà Mỹ đánh vào hàng hóa của Việt Nam.
Từ trước khi Trump quyết định rút khỏi TPP, Việt Nam đã chủ động thắt chặt mối quan hệ với các nước khác. "Việt Nam khá tích cực trong việc thiết lập các thỏa thuận thương mại hơn nhiều nước khác, nhằm hạn chế bớt rủi ro", chuyên gia kinh tế Eugenia Victorino tại chi nhánh Ngân hàng ANZ ở Singapore cho biết.
Việt Nam hiện đã ký thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với 9 nước, trong đó có Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và đang tiếp tục đàm phán với 7 nước khác.
"Chúng ta không nên lo ngại khi TPP bị khai tử", Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuân nói. "Chúng ta sẽ tìm cách để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU".
Dù vậy, Việt Nam vẫn đang hy vọng TPP sẽ được hồi sinh. Nếu hiệp ước này vẫn còn tồn tại bằng cách nào đó, các điều khoản trong thỏa thuận có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế, ông Trần Việt Thái, Phó tổng giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định.
"TPP không chỉ thúc đẩy thương mại, đây cũng là một động lực để thúc đẩy cải cách, từ luật pháp cho đến vấn đề lao động, lẫn tăng cường sự minh bạch và chống tham nhũng", ông nói.
Australia hiện khá quan tâm tới khôi phục một phần TPP và trở thành đối tác thương mại với Việt Nam cũng như các nước châu Á khác. Bên cạnh đó, nếu Việt Nam càng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thì càng giảm lệ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
"Việc Mỹ rút khỏi TPP đã để lại một khoảng trống và Trung Quốc muốn thế chân Mỹ", ông Thái cho biết. "Nhưng nếu muốn đảm nhận vị trí dẫn đầu, cần phải có sự cho và nhận, và ở vào thời điểm này, Trung Quốc chưa sẵn sàng để làm việc đó", ông Thái bình luận về việc Trung Quốc còn khá miễn cưỡng trong việc mở cửa thị trường của nước này. "Không ai muốn mở cửa khi chủ nghĩa dân túy và quan điểm chống tự do thương mại đang gia tăng".
An Phong
Nguồn Bloomberg