Thu tiền tỷ Ở Đăk Lăk hiện nay, bơ Booth được nông dân đánh giá là một trong những cây trồng số 1 Tây Nguyên, thu nhập “khủng”, nhiều hộ thu lãi tiền tỷ. Nông dân đánh giá ưu điểm loại bơ này chín khác thời điểm so với giống bơ khác, thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, muộn hơn khoảng 2 tháng so với giống bơ thường. Hơn nữa những năm gần đây bơ Booth rất hút hàng, giá bán lên đến trên dưới 80.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người trồng bơ Booth đầu tiên ở thôn Tân Lập, xã Ea Na, huyện Krông Ana, cho biết: “Gia đình tôi có 32 cây bơ Booth khoảng 15 năm tuổi. Nhờ giá thu mua ổn định nên mỗi năm sau khi thu hoạch, trừ chi phí tôi lãi mấy trăm triệu đồng. Như vụ năm ngoái, vườn nhà tôi thu hoạch hơn 10 tấn, bán với giá trung bình từ 60.000 - 70.000 đ/kg, lãi gần nửa tỷ đồng”.
Do hiệu quả của bơ Booth mang lại rất lớn nên những năm qua đi đến bất cứ nơi nào của tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi đều nghe người dân bàn tán về việc trồng loại bơ này. Nhiều nông dân muốn chặt hạ diện tích cà phê già cỗi để trồng bơ Booth. Gia đình anh Nguyễn Phát, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, thấy bơ Booth phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giá bán ổn định, nên đã phá bỏ 2ha cà phê già cỗi đầu tư trồng gần 400 cây bơ Booth. Sau hơn 3 năm chăm sóc, đến nay vườn bơ đã cho thu hoạch. Vụ bơ năm ngoái cho trung bình 150kg quả/cây, giá bán 70.000 đ/kg, trừ chi phí lãi hơn 1 tỷ đồng. Theo Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, bơ Booth là giống nhập nội từ Mỹ và đã được trồng khảo nghiệm tại Tây Nguyên từ năm 2002 đến nay.
Dòng Booth 7 đã được Viện khảo nghiệm, đánh giá, được Bộ NN-PTNT công nhận giống quốc gia. So với các loại bơ khác, bơ Booth có các đặc điểm vượt trội: Chín muộn (thời gian thu hoạch rơi vào tháng 10 - 11, so với chính vụ là tháng 7 - 8) nên có thể tạo sản phẩm rải vụ và bán được với giá cao gấp 5 - 6 lần so với chính vụ, năng suất khá (trung bình gần 100 kg/cây), chất lượng quả tốt và là giống quốc tế nên thuận lợi cho việc xuất khẩu sau này.
Hiện nay diện tích bơ Booth trồng ở Tây Nguyên ước tính khoảng gần 1.000ha (quy đông đặc), chiếm khoảng hơn 1/3 tổng diện tích bơ toàn vùng. Hút hàng Khảo sát của PV tại một số vựa bơ Booth ở TP Buôn Mê Thuột cho thấy, những năm gần đây bơ Booth được thị trường các TP lớn như Hà Hội, TP.HCM, Đà Nẵng ưa chuộng. Mặc dù giá bán bơ Booth trên thị trường lên đến cả trăm ngàn đồng/kg, nhưng vẫn hút khách bởi chất lượng thơm, ngon và bổ dưỡng. 14-31-35_2 Cây bơ Booth đang được nông dân Đăk Lăk phát triển mạnh Vì vậy khi giống bơ này bước vào mùa thu hoạch, mỗi vựa đều có nhân viên đi lùng sục các vườn thu mua “non” hoặc đặt hàng với giá cao.
Chính vì sức hút của bơ Booth đã khiến nhiều nông dân đổ xô trồng. Ông Cấn Ngọc Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na cho biết, nếu như năm 2008 toàn xã chỉ có vài hộ trồng bơ Booth với diện tích vài ha thì đến nay lên đến hơn 300ha bao gồm trồng xen và trồng thuần. Hiện diện tích bơ này không dừng lại con số trên bởi nông dân đang tiếp tục mở rộng.
TS Phan Việt Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Khoa học và Hợp tác Quốc tế Cây bơ, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, đánh giá cây bơ Booth vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa. Trong tương lai, khi cây bơ với diện tích đủ tạo thành quy mô hàng hóa, nếu phát triển thêm các công nghệ chế biến, bảo quản tốt (chiết xuất dầu bơ, bột bơ, xuất khẩu trái tươi...) thì vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên việc phá cà phê hay các loại cây trồng khác để thay thế bằng bơ cần cân nhắc kỹ. Bơ nên được trồng xen để tận dụng tốt diện tích và có thể đóng vai trò như cây che bóng chắn gió cho vườn cây. Ngoài ra, cần nghiên cứu trồng đa dạng các loại bơ khác như TA1, TA40, Reed.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)