Một ngày sau khi đề xuất dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã xin Thủ tướng cho tiếp tục việc này vì "cần tính toán lại sản lượng gạo".
Trả lời báo chí về lý do thay đổi này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hôm nay (25/3) cho biết, do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, nhất là sản lượng lúa vụ Đông Xuân tại đồng bằng sông Cửu Long trong doanh nghiệp, người trồng lúa... nên Bộ Công Thương cần thời gian tính toán lại.
Theo ông Khánh, độ vênh về số liệu là "dễ hiểu" khi Việt Nam đã tự do hoá thị trường xuất khẩu gạo, theo Nghị định 107/2019. Do đó, các doanh nghiệp không còn phải đăng ký số lượng gạo sản xuất, tồn kho, hợp đồng xuất khẩu... như trước. Vì độ vênh này, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng để có thời gian xác minh, khớp lại số liệu.
Ngoài ra, Thứ trưởng Công Thương nói thêm, việc xin Thủ tướng hoãn thực hiện còn vì đánh giá doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương trả lời báo chí ngày 25/3. Ảnh: Hoài Thu
Chiều 25/3, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ cho biết vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương dừng xuất khẩu gạo. Các hợp đồng doanh nghiệp đã ký sẽ chờ kết quả làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì, làm việc với địa phương. Sau kiểm tra sẽ rà soát, đánh giá nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông và báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh. Trong thời gian này, Thủ tướng cũng yêu cầu dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành "nghiêm túc rút kinh nghiệm trong tham mưu", chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nội địa trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo đã tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm, tới 32%, đạt 930.000 tấn. Giá gạo theo đó cũng biến động, tăng 20-25% tuỳ từng chủng loại thóc, gạo. Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu khiến nhu cầu một số thực phẩm thiết yếu, trong đó có gạo tăng cao. Một số quốc gia đã tăng mua, dự trữ gạo.
"Nếu xuất khẩu gạo tới đây vẫn tăng đột biến như 2 tháng đầu năm, Việt Nam có thể đối diện với rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước", Thứ trưởng Khánh dự báo.
Vì thế, trong các đề xuất lên Chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực, cơ quan này đưa ra 2 phương án. Một là cấp giấy phép xuất khẩu gạo trở lại, và hai là tạm hoãn xuất khẩu gạo tới hết tháng 5. Sau nhiều cân nhắc, Thủ tướng kết luận hoãn xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5 và yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngừng mở tờ khai thông quan từ 0h ngày 24/3.
Bộ Công Thương cho biết, đã chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hoá, không để thiếu cục bộ bất kỳ tình huống nào. Ngoài ra, theo Nghị định 107, các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông 5% lượng gạo xuất khẩu trước đó, chẳng hạn xuất khẩu 100 triệu tấn thì phải dự trữ 5 triệu tấn trong kho. Việc này, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì có lượng dự trữ đáng kể trong doanh nghiệp. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tăng dự trữ gạo quốc gia. Chưa kể, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể phục hồi, đáp ứng yêu cầu.
Trước lo ngại Trung Quốc đang mua gom lúa, gạo, ông Khánh cho biết lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc hai tháng khoảng 66.000 tấn, chiếm gần 10% tổng sản lượng xuất khẩu gạo. Với tỷ lệ này, theo ông không đáng ngại việc tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.