Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Quyết định này được đưa ra 4 ông lớn trong ngành thép Việt Nam bao gồm Hòa Phát, Thép miền Nam, thép Việt Ý và gang thép Thái Nguyên gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, ngày 07/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được Bộ Công Thương áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với Phôi thép và 14,2% đối với Thép dài và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.
Quyết định ban hành sau khi Bộ Công thương tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự về với mặt hàng phôi thép và thép dài. Trước đó, các DN lớn ngành thép đồng loạt "kêu cứu" trước tình trạng phôi thép Trung Quốc tràn lan.
Như vậy, Bộ Công thương đã chọn đứng về phía các DN lớn ngành thép. Đây có thể là tin buồn cho các DN thép nhỏ lẻ khác khi phải phụ thuộc vào nguồn thép nhập từ các DN thép lớn trên.
Với các DN nhỏ, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, đại gia thép, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép.
Hiện tại, lợi nhuận của Hòa Phát cao hơn lợi nhuận tất cả các DN lớn trong ngành thép Việt Nam cộng lại.
"Tập đoàn Hoà Phát, một trong 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, hiện đang chiếm 22% thị phần của toàn ngành không hề gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất thép. Ngược lại, lãi rất cao và tăng trưởng đều hàng năm", đại diện một trong 6 DN thép nhỏ từng gửi đơn để nghị Bộ Công thương không áp thuế tự vệ với mặt hàng phôi thép chia sẻ.
Từng trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho rằng xung đột lợi ích giữa các DN trong ngành là điều không thể tránh khỏi. Và lần này, xem ra người mất lợi ích là các DN thép nhỏ hơn.
(Theo tri thức trẻ)