Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT trình Chính phủ |
Đó là những ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trình Chính phủ.
Đổi mới nhưng không chú trọng
Vào ngày 7.1, Bộ GD-ĐT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo tờ trình này, hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi (cần hoặc không cần điều kiện bổ sung) giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích lũy kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Bộ GD-ĐT cho biết, trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân dự kiến, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đưa ra điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học.
Cụ thể, đào tạo trình độ đại học đề xuất 3 – 4 năm, khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật giáo dục quy định từ 4 – 6 năm. Trình độ tiến sĩ được đề xuất 3 – 4 năm, khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Giáo dục quy định từ 2 – 4 năm. Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.
Chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới về quan điểm của mình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay: “Cơ cấu hệ thống giáo dục do Bộ GD-ĐT đưa ra thể hiện rõ tính cẩn trọng. Những thay đổi đưa ra nói chung đều ở mức độ vừa phải, đồng thời thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới giáo dục Việt Nam - dù mong muốn là “cơ bản và toàn diện” - nhưng trong nghị quyết cũng cẩn thận ghi rõ “trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay”.
"Một thực tế rõ ràng là các học sinh thi nhau vào học đại học, không ai muốn đi học nghề. Kể cả các bậc cha mẹ cũng muốn con cái mình vào học đại học và luôn quan niệm học kém mới phải học nghề. Điều quan trọng là Bộ GD-ĐT cần đưa những thông tin này, khuyến khích các em học sinh trong vấn đề đăng ký học nghề sau khi hoàn thiện 12 năm học phổ thông hoặc có thể chú trọng việc học nghề khi các em học xong bậc trung học. Hiện tại, Bộ GD-ĐT lại không chú trọng việc này mà chỉ phân bổ khi các em không thi đỗ đại học. Theo tôi, cần phân luồng ngay khi các em bước chân vào hệ THPT", ông Trần Xuân Nhĩ khẳng định.
Bộ GD-ĐT nên phát triển học nghề ngay ở bậc phổ thông
Cơ cấu do Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ phân luồng trung học phổ thông thành 3 hướng là định hướng chung, định hướng kỹ thuật công nghệ và định hướng năng khiếu; phân luồng trong giáo dục đại học thành nghiên cứu, thực hành, ứng dụng; phân luồng đào tạo thạc sĩ thành nghiên cứu, ứng dụng. Những phụ huynh muốn con em mình đi theo hướng khác thì ngay khi bước chân vào cấp 3, họ đã định hướng cho các em đi du học, không theo hệ đào tạo trong nước. Đó phải chăng một phần vì tính khiên cưỡng của ngành giáo dục vẫn chưa thay đổi. Việc Bộ GD-ĐT có kế hoạch sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa là không phù hợp về bước đi, khó mang tính đổi mới cơ bản và toàn diện đối với giáo dục.
Xu hướng chung của nền giáo dục trên thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, cùng với giáo dục đại học truyền thống hình thành nên nền giáo dục sau trung học và PTTH. Trong khi đó, ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau. Việc tách trình độ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của xu hướng đó.
"Điều quan trọng nhất chính là Bộ GD-ĐT nên lấy ý kiến và tôn trọng ý kiến của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhưng Bộ GD-ĐT lại không thực hiện điều đó. Chính vì vậy, đề án dù có cố gắng nhưng vẫn là khiên cưỡng và gây lãng phí".
Hiện nay chúng ta đang bỏ rơi, không chú trọng vào đào tạo nghề. Ngay cả ba hướng được vạch ra trong cấp THPT ở khung cơ cấu mới cũng chưa thấy nói nên theo hướng nào, nhiều hay ít. Triển khai nội dung như trong khung cơ cấu đề xuất của Bộ GD-ĐT thì nhất định học sinh chỉ hướng theo đại học chứ không hề nói đến học nghề.
"Chính vì thế chúng ta cần định hướng cho các em học sinh cần phải làm được việc ngay khi kết thúc cấp 2, học phải đi đôi với làm mới là điều quan trọng nhất. Đó mới chính là sự phát triển, là hướng giải quyết vấn đề không tìm được việc làm sau khi học đại học, cao đẳng của đa số các sinh viên hiện nay", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích.
(Minh Khuê - Một Thế Giới)