Ảnh minh họa
Trong thời gian tới thị trường ô tô Việt Nam và cơ cấu sản xuất ô tô sẽ có sự điều chỉnh lớn do thực hiện các cam kết thương mại.
Đó là nhận định của ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đưa ra khi phân tích về tác động của các dòng thuế được cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) tới ngành sản xuất ô tô nội địa.
Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp tục đặt ra những vấn đề mới cho ngành ô tô Việt Nam. Theo đại diện của Bộ Tài chính, các dòng thuế đối với sản phẩm công nghiệp ô tô sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 13.
Cụ thể, đối với các dòng xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 3000cc sẽ được xóa bỏ thuế sau 12 năm; đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3000cc thì có lộ trình giảm thuế sớm hơn, được xóa bỏ vào năm thứ 10.
Tuy nhiên, do TPP có nguyên tắc tất cả các mặt hàng đều phải có cam kết, nên đối với ô tô cũ Việt Nam đồng ý thỏa thuận cam kết về hạn ngạch thuế quan. Lý giải về việc lựa chọn cam kết này, ông Tùng cho biết trước đây trong đàm phán WTO, Việt Nam có bảo lưu mức thuế suất rất cao cho ô tô cũ, với tùy từng chủng loại và dòng xe.
Do vậy, trong quá trình đàm phán TPP, thay vì lựa chọn việc đưa ra mức thuế suất rất cao như trong WTO, đoàn đàm phán đã cho ý kiến thông nhất sẽ đưa ra lượng hạn ngạch nhỏ đối với các dòng xe cũ. Theo đó, trong năm đầu tiên sẽ cấp hạn ngạch cho 66 chiếc nhập khẩu vào Việt Nam và tăng dần lên 150 chiếc từ năm thứ 16. Có nghĩa, với những xe nhập khẩu trong hạn ngạch thì sẽ được hưởng mức thuế là 0%, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi.
Tuy nhiên, chưa chờ đợi đến TPP được thực thi và có hiệu lực thì trong năm 2018, tới đây, ngành ô tô Việt Nam đã chịu tác động lớn từ các cam kết trong ASEAN với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo đại diện Bộ Tài chính, ASEAN đặt ra cam kết xóa bỏ thuế ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào 2018. Trong khi đó, ở khu vực Thái Lan hiện là nước có nền công nghiệp ô tô rất phát triển, sau đó là Indonesia cũng đang đầu tư mạnh vào ô tô. Do đó, ngành ô tô Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với những ngành công nghiệp ô tô tại các nước này.
“Hiện các doanh nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước lựa chọn khác nhau, có doanh nghiệp có thể chuyển hướng thương mại, không sản xuất nữa, hoặc chuyển sang sản xuất chỉ một số chủng loại” – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nhận định.
Do đó, đại diện Bộ Tài chính (cũng là người trực tiếp đi đàm phán nhiều hiệp định FTA) dự báo rằng: trong thời gian tới thị trường ô tô Việt Nam và cơ cấu sản xuất ô tô sẽ có điều chỉnh sẽ lớn do thực hiện ASEAN. Vì vậy, lộ trình giảm thuế trong TPP ở mức trên 10 năm là tương đối dài cho ngành có thêm sự chuẩn bị khi bước vào sân chơi lớn hơn trong TPP.
(Theo An Ngọc - Trí thức trẻ)