Bộ Tài chính một lần nữa “thổi còi” với đề xuất của Bộ Công Thương về kế hoạch xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao trong giai đoạn 2016-2020.
Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than để tiêu dùng trong nước. Ảnh TL
Trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ gần đây, Bộ Tài chính tái khẳng định quan điểm phải ngừng xuất khẩu than theo Thông tư 15/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương, và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hồi đầu năm 2015.
Thông tư 15 quy định, chỉ doanh nghiệp được chỉ định hợp pháp mới được phép kinh doanh và xuất khẩu than. Các loại than phục vụ nhà máy nhiệt điện không được phép xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) trong năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được xuất khẩu than cám, than cục nhằm phục vụ kế hoạch dự trữ than cho sản xuất điện năm 2018-2020.
Văn bản của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ là để làm rõ một đề xuất mới đây của Bộ Công Thương, theo đó, chính bộ này lại đề nghị cho xuất khẩu than.
Theo văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lý giải lý do cần tiếp tục xuất khẩu than là vì Việt Nam sẽ dư thừa lượng than cám, than cục chất lượng cao khoảng 2,1-2,2 triệu tấn/năm giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, lượng than trên không được coi là than không có nhu cầu sử dụng trong nước hoặc sử dụng không hết, mà là sản lượng than trong nước chưa sử dụng đến.
Dự kiến, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 20 – 30 triệu tấn than hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Từ năm 2020 trở đi, ngành than sẽ phải nhập từ 40 - 50 triệu tấn mỗi năm để phục vụ các nhà máy nhiệt điện.
Tư Hoàng / thesaigontimes.vn