Từ chỗ bị “khủng hoảng truyền thông”, ngành y tế đã lắng nghe và biết biến thách thức thành cơ hội thay đổi, để năm 2015 có những đột phá ở nhiều lĩnh vực, được xã hội ghi nhận. Nhân dịp năm mới 2016, ngày 31-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với báo giới về những vấn đề của ngành y tế.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong những thay đổi mạnh mẽ của ngành y tế năm qua, Bộ trưởng thấy ấn tượng nhất với điều gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Với sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, năm 2015 đánh dấu nhiều thay đổi mạnh mẽ của ngành y tế. Tình trạng quá tải bệnh viện (BV) ở tuyến cuối khi phải nằm ghép 2-3 người/giường, thậm chí phải nằm gầm giường, bị người dân phàn nàn nhiều, đã được cải thiện. Nhiều nơi như BV Nhi, BV K, BV Nội tiết v.v… đã không còn nằm ghép.
Để làm được điều này, ngành y tế đã xây dựng hàng loạt công trình mới, trang thiết bị y tế hiện đại ở BV K Tân Triều, BV Nội tiết Trung ương cơ sở 2, BV Bệnh nhiệt đới cơ sở 2, BV Da liễu Trung ương, BVĐK Thái Nguyên, BV Bạch Mai…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến |
Năm 2015, lần đầu tiên, ngành y tế quan tâm đến đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đường dây nóng được thiết lập từ Bộ Y tế, Sở Y tế đến các BV, để tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến người dân phản ánh và đã có hơn 6.000 trường hợp bị xử lý kỷ luật, là sự răn đe, cảnh tỉnh cho cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, các BV còn thành lập các phòng công tác xã hội, lập hòm thư góp ý, tập huấn từ nhân viên bảo vệ đến bác sĩ về tinh thần thái độ; xây dựng đội ngũ bác sĩ trẻ, tình nguyện viên v.v… tạo sự thay đổi mạnh về chất lượng phục vụ.
Một ghi nhận nữa của ngành y tế trong năm 2015 là nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới được ứng dụng, mang cho người bệnh nhiều cơ hội. Vaccine do Việt Nam sản xuất đã được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế và các tổ chức quốc tế đã đặt hàng sản xuất một số loại vaccine. Đặc biệt, việc kết hợp công - tư trong hoạt động y tế giúp người dân có nhiều lựa chọn khi đi KCB.
Sự đổi mới toàn diện về chiến lược, biện pháp truyền thông của ngành y tế trong năm 2015 là một chủ trương đúng nên đã được đánh giá cao với việc chủ động cung cấp thông tin và công khai minh bạch cho báo chí khi có sự việc, tai biến hay thành công. Nhờ đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ, hay sự cố tiêm vaccine được giải quyết kịp thời, các tiến bộ y học cũng được truyền thông đến người dân biết.
PV: Năm 2016 sẽ nâng giá dịch vụ y tế. Nhưng tăng viện phí liệu có tăng được chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) không là điều đang được nhiều người quan tâm, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đổi mới cơ chế tài chính gắn với cải cách hành chính sẽ tạo sự thay đổi về chất lượng KCB. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đủ, đúng gắn với chủ trương đảm bảo quyền lợi cho người nghèo, người có công thông qua việc hỗ trợ mua BHYT, có Quỹ KCB cho người nghèo, sẽ mang lại lợi ích cho người dân. Khi giá dịch vụ y tế tăng, quyền lợi của người bệnh, nhất là người là có thẻ BHYT sẽ tăng, vì BHYT thanh toán cho các BV theo giá dịch vụ y tế.
Nếu giá thấp, BHYT thanh toán với mức thấp, BV không đủ kinh phí để thực hiện dịch vụ nên phải thu thêm của người bệnh. Trước đây do giá thấp, nhiều dịch vụ thu không đủ chi, BV không triển khai, nay sẽ triển khai và người bệnh BHYT sẽ được hưởng do hầu hết chi phí được BHYT thanh toán.
Nhờ đề án bệnh viện vệ tinh mà lần đầu tiên Bệnh viện ĐK Ninh Thuận thực hiện thành công ca mổ cột sống lưng |
Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, BV có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất với chất lượng cao hơn, góp phần làm tăng chất lượng dịch vụ y tế. Giá được tính đủ tiền lương, BV sẽ phải tuyển dụng viên chức có chất lượng để chăm sóc người bệnh tốt hơn. Khi tính tiền lương vào giá, ngân sách sẽ không cấp tiền lương như hiện nay.
Do đó, sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế từ tư duy ban ơn thành phục vụ: Người bệnh đến chữa bệnh phải trả tiền, chứ không phải xin xỏ, nên họ chính là người trả lương. Do đó, BV muốn tồn tại và phát triển phải nâng cao chất lượng mới có bệnh nhân, có nguồn thu, nếu không sẽ không hoạt động được.
Cùng với đổi mới cơ chế, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã tăng cường chỉ đạo các BV cải cách thủ tục hành chính trong KCB, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, tăng cường giáo dục y đức…; xây dựng đề án giảm tải BV, đề án BV vệ tinh để nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
PV: Ngành y tế đã chuẩn bị cho quá trình nâng cao chất lượng KCB ở tất cả các tuyến như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới, mở rộng mô hình BV vệ tinh, thực hiện chế luân phiên từ tuyến trên về tuyến dưới, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để nâng cao trình độ chuyên môn các tuyến, đồng thời chỉ đạo các BV có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ hỗ trợ KCB.
Các cơ sở KCB phải công khai bảng giá dịch vụ treo ở nơi thuận tiện để người bệnh biết. Cải tiến khu vực đón tiếp, có bộ phận và nhân viên hướng dẫn bệnh nhân và người nhà làm các thủ tục KCB. Phải có các giải pháp để giảm dần số bệnh nhân nằm ghép, xây dựng và triển khai Đề án BV vệ tinh, phối kết hợp trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân giữa các bệnh viện trên địa bàn.
PV: Thưa Bộ trưởng, từ năm 2016, sẽ thông tuyến KCB BHYT ở tuyến huyện trong tỉnh. Nhưng hệ thống BV lại không được đầu tư như nhau về mọi mặt để có được chất lượng KCB mà người dân mong muốn thì liệu có gặp khó khăn?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Quy định này tạo cơ hội cho người có thẻ BHYT được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng và cũng là cách thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, nên đây cũng chính là thách thức với các cơ sở y tế tuyến huyện.
Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, y tế tuyến huyện đã được nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu KCB.
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế đòi hỏi không chỉ ở phạm vi chuyên môn kỹ thuật mà còn ở tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người bệnh theo quy định, đồng thời với cách thức truyền thông tạo dựng lòng tin đối với người sử dụng dịch vụ.
Vì vậy để được người có thẻ BHYT lựa chọn là nơi đăng ký KCB ban đầu và hạn chế tình trạng KCB không đúng tuyến, mỗi cơ sở y tế đều cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, đổi mới phong cách phục vụ nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tuyên truyền phổ biến năng lực hoạt động của bệnh viện, tạo niền tin nơi người bệnh.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trao đổi!
(Theo Thanh Hằng - Năng lượng Mới 488)