Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố 4 đặc sản của tỉnh được xác lập kỷ lục Việt Nam, đó là: cá bống sông Trà và món Don (top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam), kẹo gương (top 10 đặc sản kẹo mứt nổi tiếng Việt Nam) và quế Trà Bồng (top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam).
Cá bống sông Trà Khúc bao gồm nhiều loại: cá bống mú, cá bống vồ, cá bống nhọn và cá bống cát. Trong đó cá bống cát thịt chắc, thơm, ngon, là loại cá làm nên thương hiệu cá bống sông Trà nổi tiếng khắp cả nước.
Cách chế biến món cá bống khá đơn giản. Đầu tiên, cá được đánh vảy, chặt vi, chặt đuôi, lấy hết ruột rồi ướp với ít muối hột. Sau đó rửa sạch cá rồi ướp cùng củ nén (giã nhỏ), hạt tiêu, ớt, bột ngọt, đường, nước mắm. Sau 10 phút, đổ cá vào nồi đất chứa mỡ nóng rồi cho lên bếp đun (lửa cháy nhỏ, đều) đến khi cá chín. Khi bắc cá ra cho thêm ít hạt tiêu, hành lá rồi ăn cùng cơm.
Món Don là món ăn dân dã của người dân Quảng Ngãi. Don sau khi được rửa sạch cho vào nồi đun sôi đến khi bung hết vỏ thì lấy muỗng vớt don và vỏ ra. Nước luộc don cho thêm muối, mì chính, hạt tiêu, hành lá. Khi thưởng thức, người ta cắt bánh tráng gạo (một đặc sản Quảng Ngãi) cho vào bát rồi đổ nước luộc don vào để một lúc cho ngấm. Sau đó cho tiếp don vào bát và ăn kèm với bánh đa, ớt kho, ớt quả.
Kẹo gương là loại kẹo thân nhỏ, mỏng, màu vàng trong, vị ngọt, thơm đặc trưng. Kẹo gương trước đây chỉ được sản xuất ở thôn Thu Xà (xã Nghĩa Hoà, huyện Tư Nghĩa) nhưng nay có nhiều nơi trong tỉnh sản xuất kẹo gương, nổi tiếng nhất là TP. Quảng Ngãi.
Kẹo gương được làm từ đường cát trắng, nước chanh, bột vani, vừng mè và lạc. Đầu tiên, người ta rang lạc và vừng mè cho chín, một phần đổ ra đĩa dàn thành lớp mỏng, một phần để lại. Đường cát trắng được hòa với nước rồi đun đến khi chuyển màu vàng nhạt thì bắc xuống trộn với nước chanh và bột vani, sau đó rưới lên lạc và vừng mè trong đĩa, rắc thêm phần lạc và mè còn lại lên trên. Kẹo được để nguội rồi cắt thành miếng nhỏ.
Cây quế được trồng khắp nơi ở Quảng Ngãi nhưng nổi tiếng nhất là ở huyện miền núi Trà Bồng với diện tích đất trồng 2.500ha. Đây là loại cây thân gỗ có giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, quế Trà Bồng không chỉ khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Pháp...
Cây quế Trà Bồng có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao, do vậy, ngoài công dụng làm gia vị, hương liệu, đồ thủ công (bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang…), quế còn được chiết xuất lấy tinh dầu để làm thuốc đông y.
Về huyện Trà Bồng vào mùa thu hoạch quế từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, du khách sẽ thấy giữa ngút ngàn màu xanh của rừng là những vườn quế bạt ngàn toả hương thơm mát.
Cùng với quế Tây Trà, quế Trà Bồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Quế Trà Bồng –Tây Trà” vào tháng 6/2009.
Việc cá bống sông Trà, món Don, kẹo gương và quế Trà Bồng được xác lập kỷ lục Việt Nam không những tạo đòn bẩy để tiếp tục đề cử Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận 4 đặc sản này và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi xét chọn thêm đặc sản đề cử công nhận là kỷ lục Việt Nam mà còn góp phần tăng cường quảng bá ẩm thực Quảng Ngãi đến du khách trong và ngoài nước.
Thanh Hải