Thay đổi tên của dự án, thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư, thay đổi quy hoạch chưa được duyệt đã đem bán, tăng giá so với cam kết giữa các bên … là những thủ đoạn lừa bán nhà ở hình thành trong tương lai mà người mua nên cảnh giác.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM (HoREA), có 4 thủ đoạn lừa khách mua nhà của một số doanh nghiệp địa ốc hiện nay. Cụ thể:
Một là, thay đổi tên của dự án. Đây là trường hợp những dự án “chết” hoặc dính tai tiếng trước đây được đổi tên để xóa dấu vết nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.
Các chuyên gia cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc bán nhà hình thành trong tương lai. |
Hai là, thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư. Trường hợp này cũng xảy ra với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh, sau đó đổi cả tên doanh nghiệp.
Ba là, thủ đoạn làm lại quy hoạch 1/500, mà quy hoạch 1/500 tăng thêm những tiện ích không có thật (nghĩa là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Thậm chí, có những trường hợp doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500. Mặc dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng họ đã đem bán.
Bốn là, thủ đoạn tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau. Chẳng hạn, chủ đầu tư giao bán 300 triệu đồng/nền, tuy nhiên đơn vị rao bán lên đến 400 - 500 triệu đồng/nền. Cuối cùng không giao hợp đồng cho khách hàng nên dẫn đến tranh chấp.
Ông Châu cho biết, hiện nay có chuyện người mua nhà không nhận được nhà, đưa tiền cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư bỏ trốn, rồi tình trạng cùng một nhà mà bán cho nhiều người… diễn ra rất nhiều. Theo ông Châu, bên cạnh 4 thủ đoạn nêu trên còn nhiều thủ đoạn khác nữa. Vì vậy, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc bán nhà hình thành trong tương lai, nếu không phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng.
Ngoài ra, như Báo Lao Động đã đưa tin, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã quy định chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được NHTM có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng, đồng thời phải có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết HĐMB, thuê mua.
Nhiều người mua do không biết rõ về tính pháp lý của dự án, chưa được ngân hàng bảo lãnh hoặc năng lực của nhà thầu yếu kém dẫn đến chậm trễ, vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh. Căn cứ theo quy định hiện hành, những hợp đồng khi chưa đủ điều kiện tiến hành giao dịch thì sau này sẽ là hợp đồng vô hiệu. Khi chủ đầu tư không thể hoàn thiện được dự án thì người mua nhà sẽ rất khó đòi lại tiền.
Tuy nhiên, Thông tư số 07/2015 của NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng yêu cầu trong HĐMB, thuê mua nhà ở ký kết giữa chủ đầu tư và bên mua, bên thuê mua có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư phải hoàn lại tiền cho bên mua, bên thuê mua khi chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết với bên mua, bên thuê mua. Điều này có nghĩa là căn hộ chỉ được bảo lãnh sau khi đã ký HĐMB nhà. Bởi vậy, các chủ đầu tư cho rằng, rất khó để thuyết phục khách hàng khi nói “ký hợp đồng mua bán trước, sẽ thực hiện bảo lãnh sau”. Mặt khác, theo số liệu của Hiệp hội BĐS TPHCM, việc bảo lãnh dự án BĐS làm tăng chi phí doanh nghiệp từ 1 đến 2% tổng giá trị căn hộ, và thực tế chi phí này được các chủ đầu tư trừ vào tiền bán hàng dẫn đến người mua nhà chịu thiệt.
(Theo Lao Động)