Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập năm 1960 và chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế, băng vệ sinh phụ nữ. Sau ngày giải phóng, nơi đây được quốc hữu hóa, đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết.
Công ty chuyển đổi hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Ở giai đoạn hoàng kim, công ty chiếm hơn 90% thị phần sản phẩm bông y tế.
Bông Bạch Tuyết lần đầu lên sàn chứng khoán năm 2004, nhưng 5 năm sau đó phải huy niêm yết vì hoạt động kinh doanh lao dốc do cổ đông thường xuyên xảy ra xung đột, giá nguyên vật liệu leo thang, năng lực bán hàng không kịp đáp ứng lượng hàng sản xuất tăng đột biến...
Trong báo cáo thường niên nhiều năm liên tiếp, ban lãnh đạo công ty cho biết khó khăn lớn nhất là mất năng lực thanh toán nợ nên tài sản thế chấp bị cơ quan thi hành án kê biên, phát mãi và đấu giá. Điều này khiến nhiều khách hàng lớn là bệnh viện, đại lý, nhà phân phối ngần ngại hợp tác tiếp.
Suốt gần 10 năm, mục tiêu quan trọng nhất của thương hiệu nổi tiếng một thời là tìm cách thoát khỏi bờ vực phá sản. Ban lãnh đạo Bông Bạch Tuyết từng cho biết, công ty có nhiều kế hoạch đa dạng hoá kinh doanh nhưng không thể vay được tiền của ngân hàng vì nợ cũ tồn đọng.
"Nếu không có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn khác như mua bán nợ, đầu tư tài chính, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh... thì Bông Bạch Tuyết khó đứng vững trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng", ban lãnh đạo công ty viết.
Tận dụng kết quả kinh doanh có những tín hiệu khởi sắc, công ty liên tiếp thương lượng với chủ nợ để giảm lãi phải trả, vay vốn mới từ công ty có liên quan của Hội đồng quản trị để xử lý nợ cũ. Cuối năm 2018, công ty đăng ký giao dịch trở lại trên sàn UPCoM và kết quả kinh doanh từ đó cũng chuyển biến khả quan.
Trong kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông năm nay, Bông Bạch Tuyết dự kiến doanh thu lập kỷ lục 169 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm hai chữ số so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt hơn 16 tỷ đồng và kéo dài mạch lãi 8 năm liên tiếp.
Những năm trước, bông và gạc y tế phân phối cho các bệnh viện, nhà thuốc chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu. Gần đây, công ty mở rộng danh mục sản phẩm như khẩu trang, tăm bông, bông tẩy trang... dành cho nhiều đối tượng và kênh phân phối nên các chỉ tiêu tài chính cũng dần cải thiện. Nếu tiếp tục giữ phong độ này, công ty đứng trước cơ hội lớn để hoàn thành kế hoạch này, qua đó xoá sạch khoản lỗ luỹ kế dai dẳng hơn một thập kỷ.
Việc mới chào bán thành công 2,96 triệu cổ phiếu để huy động gần 55 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ là một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến quá trình chinh phục kế hoạch này. Với khoản tiền thu được, công ty đã trả nợ, mua nguyên liệu, tái định vị thương hiệu và còn dư để bổ sung dòng vốn lưu động. Tổng nợ tính đến cuối năm ngoái chỉ còn 43 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính được tất toán toàn bộ.
Thay vì liệt kê khó khăn và nguyên nhân không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh như những năm trước, báo cáo của ban lãnh đạo Bông Bạch Tuyết năm nay đã xuất hiện nhiều thông tin tích cực.
Công ty mới thay đổi nhận diện thương hiệu sau 50 năm gắn bó với hình ảnh thiếu nữ cầm bông y tế. Điều này thể hiện việc chuyển dịch dần từ chỗ chỉ sản xuất bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ của nhà máy Cobovina Bạch Tuyết sang danh mục sản phẩm đa dạng, có nhiều nhãn hiệu khác nhau như Merilynn, Meriday, Merigo, Batuni... dành cho từng đối tượng khách hàng cá nhân lẫn công nghiệp.
Ngoài phát triển thị trường trong nước, công ty dự kiến năm nay tìm đường đưa sản phẩm ra nước ngoài. Hệ thống phân phối cũng được cơ cấu lại theo hướng bớt trung gian, thâm nhập vào những hệ thống bán lẻ chưa có sản phẩm để tăng dần độ phủ.