“Bóng dáng” của thương chiến Mỹ - Trung ngày càng lộ rõ trong dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam.
SK Group đã trở thành đối tác chiến lược của Vingroup sau thương vụ mua cổ phần. Trong ảnh: Nhà máy của VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Hoàng Anh
Dấu ấn của thương chiến Mỹ - Trung
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua. Và không quá khó để nhận ra tác động của thương chiến Mỹ - Trung trong bản báo cáo này.
Dấu ấn đầu tiên phải kể đến sự tăng trưởng vượt bậc của đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Con số được nhắc đến là từ đầu năm tới nay, cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp lên tới 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nếu năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chỉ chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, thì năm 2018 chiếm 27,78%, và 10 tháng năm 2019 đã lên tới 37,1% tổng vốn đăng ký.
Dù xu hướng đầu tư theo hình thức mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã bùng nổ trong những năm gần đây, song năm nay, xu hướng lan rộng hơn. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, đây là hình thức đầu tư khiến các nhà đầu tư nhanh chóng “né” được hệ lụy của cuộc chiến này nhất. Việt Nam được coi là “vịnh tránh bão” an toàn cho các nhà đầu tư. Đầu tư theo hình thức M&A cũng là cách để nhà đầu tư sớm thâm nhập thị trường Việt Nam, nhằm tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại.
Một dấu ấn khá rõ khác, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đó là đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng nhanh so với cùng kỳ. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài đã nhấn mạnh cụm từ “do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” khi đưa ra nhận định về luồng vốn đầu tư từ hai thị trường này.
Cụ thể, 10 tháng qua, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã tăng 2 lần (đạt 3,2 tỷ USD), từ Hồng Kông tăng 3,94 lần (6,447 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thông tin quan trọng khác, chưa từng được đưa ra trong các bản báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhưng lại được nhấn mạnh trong báo cáo vừa được công bố. Đó là, trong 10 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore.
Thông tin trên đã một lần nữa khẳng định những tác động quan trọng của thương chiến Mỹ - Trung đối với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Một khảo sát riêng của Ngân hàng Thế giới (WB) về 33 công ty đã dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu càng khẳng định thêm điều này. Có tới 23 công ty trong số đó đã chuyển đến Việt Nam, phần còn lại chuyển đến Malaysia, Thái Lan và Campuchia.
Đón chờ những cơ hội mới
Cuối tuần trước, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã có cuộc làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Tại đây, ông Roongrote Rangsiyopash cho biết, tiến độ triển khai Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã đạt 24%. Tiến độ này hơi chậm so với kế hoạch, song SCG cam kết, sẽ đẩy nhanh tiến độ, để Dự án có thể hoàn thành và vận hành vào cuối năm 2022.
Cũng theo thông tin từ ông Roongrote Rangsiyopash, SCG cũng đang hoàn tất các thủ tục để nâng tổng mức đầu tư của Dự án lên 5,2 tỷ USD, từ mức vốn đầu tư ban đầu trên 3,7 tỷ USD.
Thực tế, vào thời điểm khởi công Dự án (tháng 2/2018), nhiều thông tin cho biết, dự án này có vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều khả năng, bây giờ, SCG mới chính thức hoàn tất thủ tục tăng vốn đầu tư.
Nếu vậy, đây sẽ là một cơ hội để Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng, nhưng vốn FDI cả đăng ký mới và tăng thêm đều giảm so với cùng kỳ.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 10 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt trên 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có được mức tăng này chủ yếu nhờ phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Còn thực tế, cả vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều giảm so với cùng kỳ.
Năm nay, dự án đăng ký mới quy mô lớn nhất cũng chỉ có vốn đầu tư 420 triệu USD (Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa ở Hà Nội của Tập đoàn Charmvit), còn dự án tăng vốn lớn nhất cũng chỉ dừng ở con số 410 triệu USD (Dự án LG Display).
Đó là một trong những lý do vì sao nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng trong bối cảnh vốn FDI đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, mà chỉ là những dự án tầm trung.
Một báo cáo về xu hướng đầu tư ra nước ngoài được Cục Đầu tư nước ngoài xây dựng gần đây cho biết, cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài. Đây là những nhà đầu tư có chất lượng. Nếu biết nắm lấy cơ hội, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng chất dòng vốn FDI.
Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều giảm Tổng vốn FDI đăng ký mới trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt 16,21 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn tăng thêm là 5,47 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ. Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn khiến cả vốn FDI tăng thêm và đăng ký mới đều sụt giảm. |
Theo Nguyên Đức / baodautu