Những phản ứng của cư dân mạng hôm 14/4/2016, khi 1 đại lý điện thoại di động tại Hà Nội quyết định bán điện thoại BPhone đã qua sử dụng với giá dưới 2 triệu đồng, cho thấy một sự thật buồn về sản phẩm này: Không mấy ai ủng hộ!
BPhone cũ bán giá 1,999 triệu đồng khiến cư dân mạng... đàm tiếu.
Điều này khiến người viết nhớ đến ý kiến của một chuyên gia công nghệ hơn 1 năm trước, rằng BPhone đã đi nước cờ sai, khi nhận vị trí “siêu phẩm” di động chứ không phải là một sản phẩm “khởi nghiệp”.
Hãy xem là startup?
Vào thời điểm đó, tức chỉ 1 năm trước, khi CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng công bố với cộng đồng sản phẩm BPhone với những lời lẽ “có cánh” rằng đây sẽ là chiếc điện thoại làm tự hào nền công nghệ chế tạo Việt Nam, bởi những “sức mạnh” dồn nén bên trong, đã có không ít nhận xét ý vị lo lắng. Đặc biệt có chuyên gia đã nhiều năm trải nghiệm trong làng công nghệ Việt bày tỏ, những đánh giá như vậy là “lạc quan thái quá”.
“Không ai phủ nhận BKAV dày kinh nghiệm bảo mật suốt 15 năm. Không ai phủ nhận năng lực tập đoàn này với các hệ thống phòng vệ máy tính chất lượng, công nghệ nhà thông minh... Nhưng đến lúc này, chưa ai tin BKAV có kinh nghiệm để sản xuất điện thoại. Do đó, thay vì khẳng định tầm vóc dữ dội, BKAV nên khiêm tốn tự nhận, đơn vị đang “khởi nghiệp” ở mảng sản xuất điện thoại”. Chuyên gia thổ lộ như vậy.
Khổ nỗi, trong một thời đoạn thông tin dồn dập, với 2 trào lưu khen chê chồng chéo, và thái độ lạc quan hừng hực của đội ngũ BKAV, nhận xét ấy đã bị bỏ qua. Tập đoàn BKAV đã quyết liệt triển khai các hoạt động truyền thông với đủ dẫn chứng về một sản phẩm “qua mặt Apple và Samsung”, công bố những ca ngợi của người nước ngoài, chuyên gia... về BPhone, chiếc điện thoại số 1 thế giới do người Việt sản xuất.
Tiếc thay, thời gian nhanh chóng đi qua và mọi việc đã diễn ra đúng sự thật cần thấy. BPhone bản đầu tiên lần lượt nhận được những đánh giá phủ định từ thị trường, bị phản ứng khi phải thu hồi vì “phải cập nhật”, rồi giảm giá bán, đẩy mạnh quảng bá người mua khi lượng sản phẩm được chấp nhận ít quá.
Không thấy siêu phẩm được thế giới đón nhận đã đành, người Việt cũng trở nên lãnh đạm trước BPhone. Doanh số sản phẩm tụt giảm đến mức, nhiều người bất chợt nhìn lại, giá như BPhone tự nhận là sản phẩm “startup”, có khi còn đỡ buồn hơn!
BPhone đã từng được "khởi động" đầy giá trị nhưng... quá ồn ào.
Giá trị thuộc quyền tiêu dùng!
Cho đến hiện nay, tập đoàn BKAV vẫn chưa có thông tin gì rõ ràng về bản BPhone thứ 2 khi nào tiếp tục ra mắt. Nhưng phiên bản số 1 đã không được lòng đông đảo người tiêu dùng, nhất là giới công nghệ, thì ai cũng thấy.
Nhiều người phân tích, với 1 sản phẩm lần đầu xuất hiện, chưa đủ sức tạo nên một hệ sinh thái sử dụng, như Apple với các sản phẩm chữ i, Samsung với các sản phẩm Galaxy..., lẽ ra BPhone cần được đầu tư cọ xát hơn nữa.
Những chi tiết “năng lực quá mạnh mẽ” như tốc độ truyền tải tập tin gấp hàng chục lần cho phép, hay tốc độ hoạt động ứng dụng rất nhanh, đã bị chỉ trích của chính giới công nghệ, như “có ai lưu tập tin đến 10GB trong điện thoại BPhone để truyền đâu”. Tất cả đã đẩy BPhone vào vị thế yếu, so với quá nhiều sản phẩm “đối thủ” đang làm mưa làm gió giữa thị trường, như iPhone 6S, Note 5, S6 Edge...
Đáng lo hơn, bởi những nhận xét “quá nổ” từ BKAV, cộng đồng người tiêu dùng đã đi đến nhìn nhận tiêu cực với BPhone, từ đó dẫn đến hệ lụy không vui: người tiêu dùng sẽ định đoạt mọi giá trị của mọi sản phẩm, chỉ bằng 1 động tác duy nhất: Không mua sản phẩm đó nữa.
Đây là lý do khiến, khi thông tin BPhone đã qua sử dụng bán giảm giá chỉ còn 1,999 triệu đồng, đông đảo người tiêu dùng trực tuyến vẫn rất hững hờ và... chế nhạo.
Một phóng viên công nghệ phía nam nhận xét: “Từ đầu, nếu BPhone đặt vào vị trí khởi nghiệp, cần thị trường giúp đỡ, chỉ bán giá 5 – 7 triệu đồng, thì sẽ bán tốt. Nhưng đến nay, dù đã giảm từ 15 xuống còn 11 rồi chỉ còn 8 triệu đồng, sản phẩm này vẫn không thể bán tốt, bởi đã bị người tiêu dùng... ghét”.
Rõ ràng với thể hiện không mấy hợp tác, “từ chối giá trị”, cộng đồng người tiêu dùng đang đòi hỏi chính tập đoàn BKAV phải thay đổi đi dáng mạo và thông điệp sản phẩm của mình...
Nguyên Đức / BizLIVE