Việt Nam là nước duy nhất tại ASEAN đã hoàn tất thành công thỏa thuận FTA với EU, khiến nhà đầu tư châu Âu chuyển hướng sang Việt Nam vì người tiêu dùng EU muốn hàng nhập khẩu giá rẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: CagleCartoon
Trong báo cáo mới đây, Hãng tư vấn Dezan Shira & Associates đánh giá sự kiện người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) sẽ khiến nhà đầu tư Anh xem lại chiến lược làm ăn tại Việt Nam.
Tuy nhiên nhìn chung, hiệu ứng lên ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ ở mức không đáng kể. Thậm chí đây có thể được xem là cơ hội để Việt Nam củng cố thị phần tại Mỹ và châu Âu.
Tiền đồng tăng giá
Ngay sau khi có kết quả, đồng bảng Anh đã rớt giá kỷ lục xuống đáy 31 năm so với đồng USD. Phần đông giới chuyên gia dự đoán tình trạng sụt giá sẽ còn kéo dài trong trung và dài hạn sau cuộc trưng cầu dân ý. Đồng tiền chung euro cũng giảm mạnh 4%.
Nội tệ mạnh lên sẽ khiến bóp nghẹt năng lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam tại Anh.
Trong khi người dân Việt Nam mua được nhiều hàng hóa Anh hơn, thì khả năng chi tiêu của nhà đầu tư Anh tại Việt Nam lại bị giảm sút.
Không riêng Việt Nam, hầu như tất cả nội tệ của các nước Đông Nam Á đều tăng giá so với bảng Anh. Nhưng mức tăng của tiền đồng là cao nhất, đồng nghĩa xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sức ép nhất.
Chứng khoán mất điểm vì hoảng loạn
Thông tin về Brexit đã cuốn bay hơn 1 tỷ USD khỏi thị trường Việt Nam, khiến 500 mã cổ phiếu giảm điểm và VN-Index chốt phiên 24/6 giảm 1,9 điểm.
Tuy nhiên, Dezan Shira & Associates đánh giá đây chỉ là hiệu ứng hoảng loạn của nhà đầu tư, chứ không phải bén rễ từ các tác động tiêu cực thực tế của Brexit lên Việt Nam.
Hưởng lợi từ EVFTA duy nhất ở Đông Nam Á
Brexit có thể khiến Anh phải tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, gián đoạn quá trình dỡ bỏ hàng rào thuế có lợi cho nhà đầu tư Anh trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu sang Anh như điện tử, da giày, máy móc, may mặc sẽ bị ảnh hưởng xấu khi bảng Anh sụt giá. Trong 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang Anh của Việt Nam đạt 3 tỷ USD, mở rộng sang các lĩnh vực như ngân hàng, sản xuất và dệt may.
Do đó, mặc dù Anh chỉ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 16 tại Việt Nam, đây là lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Brexit chắc chắn sẽ có tác động lớn tới mối quan hệ này.
Tuy nhiên nếu đem Việt Nam so với Hong Kong, Singapore hay Nhật Bản, cú sốc vẫn ở mức nhẹ vì EUVFTA chưa có hiệu lực, bà Đỗ Thị Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhận định.
Khi châu Âu lâm vào khủng hoảng, nhiều thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với ASEAN, bao gồm các nước Thái Lan, Singapore và Philippines sẽ bị gián đoạn. Anh và châu Âu sẽ có nhiều vấn đề khác cần sự quan tâm hơn, dẫn đến số phận của các FTA trên sẽ bị bỏ ngỏ.
Trạng thái FTA với EU của các nước ASEAN.
Trong khi đó, Việt Nam là nước duy nhất tại ASEAN đã hoàn tất thành công thỏa thuận FTA với EU, khiến nhà đầu tư châu Âu chuyển hướng sang Việt Nam vì người tiêu dùng EU muốn hàng nhập khẩu giá rẻ.
Cơ hội đối với đầu tư
Bất chấp biến động trên thị trường tiền tệ, Brexit có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam, dẫn đến đầu tư vào một số ngành nhất định tăng.
Mặc dù euro và bảng Anh mất giá sẽ cản trở dòng đầu tư từ EU và Anh vào Việt Nam, điều này sẽ được bù đắp bởi đầu tư đến từ Mỹ.
Đồng USD, với vai trò là tài sản trú ẩn, đã tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Các nhà đầu tư từ Mỹ sẽ có nguồn lực về tài chính để đầu tư mạnh hơn.
Song song với Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, nhiều mặt hàng trao đổi song phương sẽ được dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn không phải chịu thuế.
Việt Nam có khả năng sẽ thu lợi từ dòng đầu tư đến từ Mỹ trong những năm tới, Dezan Shira & Associates kết luận.
Lê Phương / BizLIVE