Nếu như trước đây, BR-VT nổi tiếng cả nước về du lịch biển, tài nguyên dầu khí, thì nay địa phương này còn được biết đến với ngành công nghiệp dịch vụ logistics - cảng biển gắn liền với hệ thống các khu công nghiệp. Có được điều này là nhờ vào tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Lãnh đạo tỉnh trên cơ sở tận dụng được tiềm năng lợi thế của mình, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
KẾT QUẢ VƯỢT TRỘI
Với lợi thế là tỉnh giáp biển, hệ thống sông lớn, lại là cửa ngõ kinh tế của cả vùng Đông Nam Bộ kết nối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, BR-VT đã sớm đề ra các chiến lược phát triển kinh tế dựa vào cảng biển, dịch vụ hậu cần, logistics, vận tải biển... gắn liền với xây dựng các khu công nghiệp và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, sau khi Chính phủ có chủ trương di dời các cảng tại nội ô TP. HCM thì địa phương này như được chắp thêm cánh để trở thành trung tâm cảng biển chính của khu vực – nơi tập trung nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu ra và vào Đông Nam Bộ và cả VN.
Cùng với quy mô, tốc độ phát triển kinh tế, BR-VT tiếp tục điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển hợp lý, đáp ứng cho tàu từ 80 nghìn đến 160 nghìn tấn, đủ khả năng thực hiện vai trò, nhiệm vụ cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cả khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ðồng thời tập trung phát triển các khu công nghiệp ven khu vực cảng, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ kết nối với các địa phương khác, từng bước hình thành một không gian kinh tế công nghiệp thống nhất, một tuyến hành lang kinh tế đô thị - cảng biển hiện đại ngang tầm khu vực.
Số liệu thống kê của sở GTVT BR-VT cho thấy, toàn bộ hệ thống cảng BR-VT có 57 dự án đầu tư, đã đưa vào khai thác 28 dự án. Riêng khu Cái Mép – Thị Vải có 17 dự án, trong đó có 7 dự án cảng container lớn, có công suất trên 6,8 triệu TEUs/năm. Lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh trong các năm qua tăng bình quân khoảng 15% năm trong đó có cả hàng container.
Theo Ban quản lý các KCN tỉnh, hiện toàn tỉnh có 15 KCN với 271 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,28 tỷ USD. Tổng diện tích thuê đất của các dự án hơn 1.969ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 34,45% trên tổng số KCN và 70,63% số KCN đã xây dựng hạ tầng.
Trong năm 2016, các KCN trên địa bàn dự kiến sẽ thu hút thêm 17 dự án đầu tư, trong đó: 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 600 triệu USD, diện tích thuê đất khoảng 70ha; 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1.250 tỷ đồng, diện tích thuê đất khoảng 30ha. Riêng trong 02 tháng đầu năm 2016, đã có 04 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn được cấp phép và triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 519 tỷ đồng và 133,3 triệu USD, gồm: Dự án đầu tư kho và dịch vụ logistics Sotrans Phú Mỹ - KCN Phú Mỹ I của Công ty CP Kho vận Miền Nam; dự án đầu tư Nhà máy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi toàn cầu tại KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng của Tập đoàn CJ Cheiljedang Corporation (Hàn Quốc); dự án đầu tư Nhà máy xử lý bụi lò thép tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 của Công ty Zincox Resources PLC (Vương quốc Anh); dự án đầu tư xây dựng tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao tại KCN Phú Mỹ I của Công ty CP Năng lượng IREX.
TIỀN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CÔNG NGHIỆP - CẢNG BIỂN
Đạt được kết quả như trên là nhờ vào những quyết định đúng đắn và sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, cũng như của cả hệ thống chính trị tỉnh BR-VT. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, địa phương đã luôn đặt ra các mục tiêu mới trên cơ sở đánh giá, phân tích rõ những thực trạng, thời cơ và cả thách thức, đặc biệt là nó phù hợp với tiến trình hội nhập sâu rộng của đất nước. Điều đó thể hiện rất rõ qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2016; quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh BR-VT giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025; quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Trên cơ sở đó, tỉnh đã đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm nhằm cải cách thủ tục hành chính mọi lĩnh vực từ hải quan, thuế, giao thông, công thương... tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu... Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn đồng hành sát cánh cùng với doanh nghiệp, biết lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn cử như lĩnh vực logistics, các giải pháp đều tập trung vào phát triển thị trường dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, xếp dỡ, kho bãi; dành quỹ đất cho các hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại địa phương; đảm bảo liên kết kinh doanh thành công giữa các chủ hàng, chủ cảng, chủ tàu; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế; tạo nguồn tài chính, thu hút dòng đầu tư.
Trong Báo cáo tổng kết năm 2015, chỉ tiêu về dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 8,66%, thu hút đầu tư đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau TP. HCM)... Cộng đồng DN của tỉnh không ngừng lớn mạnh. Hiện toàn tỉnh có 280 DN nước ngoài đang hoạt động với ngành nghề kinh doanh đa dạng và phát triển cả quy mô và sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ. Đây là con số đáng phấn khởi trong điều kiện kinh tế cả nước nói chung, BR-VT nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2016, cùng với cả nước, BR-VT bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, VN - Hàn Quốc... Hy vọng rằng với những chính sách hỗ trợ từ Trung ương, sự năng động linh hoạt của các cấp chính quyền, doanh nghiệp... BR-VT sẽ phát huy được lợi thế to lớn của mình, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Đình Dũng / vlr.vn