Theo cam kết với các bên tham gia, Việt Nam sẽ đáp ứng cơ chế xoá "bù chéo" trong nhiều lĩnh vực khác nhau sau 3 năm, kể từ khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Đây cũng đang là động thái được mong chờ, trong bối cảnh, nhiều doanh nghiệp lớn đang lấy lợi nhuận ngành này bù đắp cho ngành kia, gây méo mó thị trường hiện nay.
Ngày 2/12, tại Hà Nội, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý Thông tin và Truyền thông đã khai giảng khoá học: “Hội nhập kinh tế quốc tế: Cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực Thông tin Truyền thông và các hiệp định đã ký kết” năm 2015, lễ khai giảng có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Hưng, các chuyên gia từ Bộ TT&TT, cùng lãnh đạo nhà trường và 47 học viên tham gia khoá đào tạo này.
Đây là khoá học, được thiết kế phù hợp để nâng cao trình độ của học viên, về các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng kỳ vọng TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam - ảnh: Trung Đức |
Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của các hiệp định mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị kí kết với quốc tế, ông cũng điểm qua nhiều lãnh đạo có công lớn trong việc phát triển, hội nhập ngành thông tin, truyền thông như các ông Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá với các quyết sách trong hiệp định thương mại Việt – Mỹ, và mới đây là vai trò của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong việc chỉ đạo các chuyên gia của Bộ TT&TT, đàm phán TPP.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng là một trong những lãnh đạo của Bộ TT&TT, có nhiều kinh nghiệm tham gia đàm phán quốc tế, ông nói, trong các hiệp định đàm phán cần kết hợp hài hoà lợi ích dân tộc, lợi ích Ngành và tư tưởng đổi mới.
Một trong những thành công của ngành thông tin truyền thông, trong đó có lĩnh vực viễn thông là việc, không có “ông lớn” nào vào Việt Nam mà cạnh tranh được doanh nghiệp trong nước, Việt Nam vẫn mở cửa và Ngành vẫn lĩnh hội được những công nghệ của thế giới.
Trình độ, kĩ năng, nhận thức của cán bộ Ngành đang ngày càng được nâng cao. Trong đặc điểm, ngành thông tin truyền thông vừa là khoa học kĩ thuật vừa là chính trị xã hội, các lĩnh vực thuộc Bộ TT&TT phụ trách đều nằm trong sức ép mới của thị trường, đòi hỏi những người bảo thủ nhất cũng phải quan tâm đến vấn đề hội nhập.
Trong khoá học này, các học viên còn được nghe bài giảng chuyên sâu do Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế của Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Hà thực hiện.
Bà Nguyễn Thanh Hà đã trình bầy những vấn đề về thách thức, cũng như cơ hội của TPP mà Việt Nam là một bên tham gia đàm phán.
Hiện tại, hiệp định TPP mới chỉ hoàn thành việc đàm phán, các bên liên quan hi vọng hiệp định sẽ được kí kết vào năm 2016. Sau khi hiệp định có hiệu lực, xoá bỏ ngay lập tức 90% thuế nhập khẩu các mặt hàng được ký kết, hướng tới xoá bỏ 100% thuế nhập khẩu trong nhóm mặt hàng này theo lộ trình.
Trong những lĩnh vực mà Bộ TT&TT phụ trách, cũng có nhiều thay đổi sau khi TPP được kí kết, trong đó có một số cam kết chính của Việt Nam như trong mảng Dịch vụ Viễn thông, Việt Nam thực hiện điều chỉnh việc truy cập và sử dụng mạng lưới dịch vụ, cho phép chuyển mạng giữ số, trong lĩnh vực đầu tư có hạ tầng, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư 49% vốn, trừ dịch vụ giá trị gia tăng được đầu tư không quá 51%, sau 5 năm, góp vốn của nước ngoài có thể lên 65%.
Trong lĩnh vực Bưu chính, Việt Nam cam kết sẽ đáp ứng cơ chế xoá bù chéo sau 3 năm TPP có hiệu lực. Chống bù chéo làm méo mó thị trường cũng là cam kết của Việt Nam và thị trường châu Âu, trong hiệp định VN-EU mới được hoàn tất đàm phán, trong ngày 2/12/2015.
Hiện tượng bù chéo, lấy nguồn tiền thu được từ lĩnh vực này để bù sang lĩnh vực kia, đã từng bị Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng “điểm mặt” là một trong hiện tượng gây hại cho đất nước, cạnh tranh không lành mạnh.
(Theo ICTnews)