Tổng quan, 6 tháng đầu năm 2016 kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều điểm tối, như sự sụt giảm của ngành nông nghiệp.
GDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,52%. Tốc độ tăng trưởng năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng chung của cùng kỳ các năm 2012 – 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Nguyên nhân là tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động cộng với thời tiết diễn biến bất thường khiến cho kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Dù vậy, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,7% cho toàn năm. Theo đó, dự tính 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt được 7,6% mới hoàn thành được chỉ tiêu.
Tăng trưởng GDP theo quý 5 năm trở lại đây
Tăng trưởng nông nghiệp: 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến GDP nửa đầu năm bị chững lại. Nguyên nhân khiến cho nông nghiệp sụt giảm là tình hình thời tiết khắc nghiệt như xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước.
Tăng trưởng nông nghiệp của năm 2016 có sự sụt giảm nghiêm trọng
Tăng trưởng công nghiệp: Ngành công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm, mức tăng trưởng ngành công nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước do ngành khai khoáng tăng trưởng âm và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp khai thác giảm do sản lượng khai thác dầu thô giảm hơn 500 nghìn tấn so với 6 tháng năm 2015.Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,6%; quý II tăng 7,5%), thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015.
Ngành công nghiệp có dấu hiệu phục hồi tuy nhiên vẫn còn chậm
Hoạt động của doanh nghiệp: Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng là 5.507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 31.119 doanh nghiệp, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình doanh nghiệp 6 tháng đầu năm
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015.
Nếu loại đi yếu tố giá thì mức doanh thu từ hoạt động bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2015
Khách du lịch đến Việt Nam: Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 4.706,3 nghìn lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch đã có sự gia tăng về cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ngành du lịch những tháng qua cũng ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc, trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông, tác động không nhỏ đến tâm lý của du khách.
Ngoài ra du lịch cũng chịu tác động trước hiện tượng cá chết ở khu vực miền Trung. Đặc biệt còn có tình trạng thao túng hoạt động du lịch của người nước ngoài; hoạt động bất hợp pháp của hướng dẫn viên du lịch nước ngoài, đặc biệt là hướng dẫn viên Trung Quốc, ở nước ta. Những gam màu tối đó vừa là áp lực, vừa là động lực để ngành du lịch nỗ lực quản lý tốt hơn nữa...
Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái
Xuất khẩu: kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 10,1% (mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước nhưng là mức cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016).
Xuất khẩu bị đánh giá là tăng thấp
Nhập khẩu: Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,54 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Giá nhập khẩu của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mặc dù lượng nhập khẩu các mặt hàng hầu hết đều tăng, như sắt thép, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại...
6 tháng đầu năm nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái
Lạm phát , chỉ số CPI: chỉ số CPI 6 tháng đầu năm đã tăng liên tục trong 5 tháng – đây là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm vừa qua, trừ những năm có tốc độ tăng cả năm khá cao. Nguyên nhân chính khiến CPI “tăng tốc” là việc tăng giá các dịch vụ y tế. Trong 6 tháng qua, chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 26,39% và với tỷ trọng 5% trong rổ hàng hoá CPI, mức tăng này đóng góp khoảng 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung là 2,35%. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định lạm phát có thể có những diễn biến bất thường, áp lực lớn lên nửa cuối năm 2016.
Chỉ số CPI đã tăng liên tục trong 5 tháng và được nhận định là hiện tượng hiếm thấy trong 5 năm vừa qua.
Theo Đức Minh
Trí thức trẻ/CafeF