“Kết quả tăng trưởng GDP trên 6% của Việt Nam năm qua xét trên mặt bằng chung thì cũng chấp nhận được” là nhận xét của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Chuyên gia này không chỉ đưa ra nhận xét "chấp nhận được khi nhìn ra thế giới" mà quan trọng hơn nó xuất phát từ yếu tố nội tại quan trọng của kinh tế Việt Nam đang thay đổi.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Năm 2016 được đánh giá là một năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam bởi những vấn đề nội tại vẫn ngổn ngang, trong khi diễn biến quốc tế diễn biến ngày một bất thường...
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành để cùng nhìn lại một năm vừa qua.
Nhìn lại năm 2016, ông đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục khó khăn, rủi ro nhiều, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều thách thức khi ổn định kinh tế chưa bền vững, phục hồi không đều, tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực FDI.
Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, khai khoáng và rất nhiều lĩnh vực dịch vụ khác đang có dấu hiệu đi xuống, công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn dang dở.
Mặt khác, vào đúng thời điểm Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập đến mức sâu sắc thì cục diện kinh tế chính trị quốc tế diễn ra những điều ngoài ý muốn. Trước mắt, nó sẽ làm tăng tính bất định, và chỉ riêng điều đó đã tác động tiêu cực đế việc đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng…
Do đó, tôi cho rằng nhìn chung, nếu so với mặt bằng chung của thế giới thì tốc độ tăng trưởng khoảng trên 6% của Việt Nam cũng là kết quả chấp nhận được.
Nhưng quan trọng hơn là những vấn đề đặt ra, những nội dung mà chúng ta đang và phải làm tiếp, những vấn đề mới cho năm 2017 và cả những năm sau.
Chúng ta cần tiếp tục lựa chọn những nội dung thật trọng tâm, trọng điểm gắn với đầu tư công, cải cách DNNN, xử lý những vấn đề yếu kém và nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đồng thời phải tính tới những thay đổi có thể rất đáng kể trong tiến trình hội nhập, những xu hướng mới đang xuất hiện trên thế giới, như công nghệ, tài chính, đảm bảo tính phát triển bền vững, tính bao trùm trong tăng trưởng…
So với mặt bằng chung GDP 2016 tăng trưởng hơn 6% là con số “chấp nhận được”, nhưng nó có đồng nghĩa với việc chúng ta đang tăng trưởng bền vững, hiệu quả hơn so với những năm trước?
Tôi cho rằng vấn đề này còn phải nghiên cứu sâu thêm, nhưng kết quả phát triển kinh tế cho thấy, trong 2-3 năm trở lại đây (trong đó có năm 2016) tăng trưởng bắt đầu hồi phục ít nhiều, ở mức trên 6%.
Chúng ta đều biết tỷ lệ đầu tư của Việt Nam xét theo GDP giảm rất mạnh so với trước đây. Cách đây khoảng 5-7 năm, tỷ lệ đầu tư phát triển kinh tế vào khoảng trên 40% GDP, nhưng hiện nay tổng đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế chỉ còn 30-31% GDP.
Rõ ràng, tỷ lệ đầu tư giảm nhưng tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi là điều có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Có nhiều ý kiến cho rằng như vậy là hiệu quả đầu tư đã khá hơn. Một vấn đề nữa rất rõ ràng là trước đây tăng trưởng kinh tế của chúng ta đạt được trong điều kiện tăng trưởng tín dụng khoảng trên 30%, tiền được “ném” ra nhiều, nhưng hiện nay tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 15-16%. Điều này cho thấy, một là hiệu quả của dòng tiền tốt lên, hoặc nếu chưa tốt lên thì dòng tiền đầu cơ cũng đã giảm.
Như vậy, có thể hiểu là chưa cần nói đến việc sáng tạo, đổi mới về công nghệ, nếu chúng ta có chính sách quản lý hợp lý dòng tiền, giám sát hiệu quả đầu tư công,…thì cũng đã cải thiện được tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, điều đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là phải nâng cao kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu giảm bội chi xuống mức 3,5% GDP từ mức thâm hụt hiện nay là 6% GDP là rất khó.
Nhưng tôi sẽ không nói về con số. Tôi chỉ nhấn mạnh nếu chúng ta làm được điều vừa nói cộng với tăng cường kỷ luật ngân sách, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bội chi ngân sách, giúp hạn chế nợ công.
Vậy năm 2017, Việt Nam sẽ cần phải làm gì để phát triển kinh tế?
Nói một cách đơn giản, dễ hiểu thì chúng ta sẽ có hai cách nhìn, trước hết là nhìn vào những lĩnh vực đang dẫn dắt tăng trưởng để xem năm 2017 sẽ thế nào.
Năm 2016 lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng là công nghiệp chế tạo, gắn với xuất khẩu từ khu vực FDI. Tuy nhiên, xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào cầu thế giới, nhưng cầu thế giới năm 2017 theo dự báo sẽ phục hồi khó khăn, chưa kể những cú sốc, những rủi ro do tính bất định từ địa chính trị, tài chính tiền tệ, giá cả hàng hoá, liên quan đến thương mại đầu tư toàn cầu với chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.
Một lĩnh vực nữa cũng giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng năm qua là xây dựng. Đây là ngành có hệ số kéo đối với các ngành kinh tế khác là khá cao, nó liên quan đến 2 lĩnh vực rất quan trọng là kết cấu hạ tầng và BĐS.
Trong khi đó, với đầu tư công thì ngân sách hiện nay đang rất hạn chế. Trong nguồn lực hạn hẹp, Việt Nam phải lựa chọn những nội dung ưu tiên, do đó có thể có những khó khăn nhất định, mặc dù trước mắt nguồn vốn ODA năm 2017 vẫn còn, hoặc có thể phát hành trái phiếu nhưng có những giới hạn nhất định.
Với BĐS, hiện còn nhiều tranh cãi, nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng phần nhiều đánh giá cho rằng thị trường đang hồi phục, nhưng năm nay tốc độ có phần giảm.
Ngoài ra, có thể để ý đến lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Năm 2016 Việt Nam thể thu hút được 10 triệu khách nước ngoài, một con số được coi là lớn nhất từ trước đến nay.
Chúng ta cũng nên hy vọng mưa hòa gió thuận để nông nghiệp trở lại với quỹ đạo bình thường, dù tăng trưởng thấp nhưng không phải là tăng trưởng âm như trong 6 tháng đầu năm 2016 này.
Cách thứ hai là nhìn về tổng cầu về tiêu dùng. Các báo cáo cho thấy tiêu dùng của Việt Nam còn tốt, các chỉ số điều tra về cầu tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất lạc quan. Tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam thể hiện qua chỉ số bán lẻ tăng khá mạnh, đây là nhân tố tích cực.
Tuy nhiên, phải lưu ý tốc độ tăng tiêu dùng qua bán lẻ nhưng trừ đi yếu tố giá cả thì năm nay tăng tích cực nhưng bắt đầu tăng thấp hơn năm ngoái. Trong bối cảnh tính bất định và rủi ro gia tăng chúng ta cần cẩn trọng hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đức Minh (thực hiện)
Theo Trí thức trẻ