Kế hoạch lãi trong năm nay của các ngân hàng đang dần được điều chỉnh theo biến động của Covid-19. Các khoản lợi nhuận nhà băng trong năm nay có thể "bốc hơi" theo nhiều cách thức khác nhau, và có độ trễ so với nhiều ngành nghề khác.
Trong xu hướng chung trên toàn cầu, dịch bệnh Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đóng cửa, và hệ thống ngân hàng phải "gánh chịu" sau cùng, có độ trễ về mặt tác động. Ảnh: TTXVN
Nhà băng lần lượt điều chỉnh kế hoạch
Mới đây, Ban điều hành Eximbank đã trình Hội đồng Quản trị thông qua và ban hành Nghị quyết 247, về việc giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 1.318 tỉ đồng, giảm 40% so với kế hoạch đặt ra đầu năm 2020.
Đại diện Eximbank cho biết mức lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi dự kiến sẽ giảm 10.3%, tuy nhiên tổng lợi nhuận thì vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019. Thêm nữa, việc xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo.
Trong năm nay, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020, tương ứng khoảng 326 tỉ), huy động vốn giảm 8% và dư nợ tín dụng giảm 4%.
Hiện tại, Eximbank là nhà băng đầu tiên công bố các con số chính thức về kế hoạch kinh doanh trong năm nay, được điều chỉnh giảm theo diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ảnh hưởng của dịch bệnh đến các nhà băng ngày càng rõ hơn, nhưng chưa có nhiều ngân hàng đưa ra con số cụ thể, hay dự báo bị ảnh hưởng trong năm nay đến lợi nhuận như thế nào.
Trước Eximbank, cũng có NamABank dù chưa công bố chính thức, nhưng trong báo cáo thường niên mới nhất đã đặt vấn đề giảm lợi nhuận trước thuế hợp nhất 13,47% so với mức thực hiện trong năm 2019.
Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn giữ kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đề ra trước khi có Covid-19, hoặc trong kịch bản tăng trưởng mà Covid-19 chưa có tác động sâu rộng như hiện nay.
Điển hình như trường hợp của BIDV, tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên vào đầu tháng 3 vừa qua, ngân hàng đặt kế hoach tăng trưởng lợi nhuận 16%, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nhất chỉ kéo dài đến cuối tháng 3.
Tương tự, đại hội cổ đông của ngân hàng Kienlongbank, đặt kế hoạch tăng lợi nhuận tăng gấp 8,7 lần, nhờ hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng và xử lý tài sản. Ngân hàng cũng cho biết sẽ còn điều chỉnh tùy theo diễn biến của Covid-19.
Số liệu mới cập nhật của Eximbank cho biết có 2.221 khách hàng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ (tương đương hơn 16.000 tỉ đồng) chịu ảnh hưởng bởi Coivd-19. Hiện Eximbank đã và đang thực hiện giãn nợ gốc, lãi cho 696 khách hàng với tổng dư nợ 4.572 tỉ đồng (kế hoạch là 1.061 khách hàng với dư nợ 6.566 tỉ đồng).
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, Tổng giám đốc Eximbank, Covid-19 đã buộc các ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận. Theo đó, các nhà băng thực hiện theo Chị thị số 02 của Ngân hàng Nhà nước, về việc phải “kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với tình hình thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông”.
Trước đó, tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp vào giữa tháng 4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khi đó cho biết lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Như trường hợp Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỉ đồng, năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp khoảng 8.000 tỉ đồng cho vấn đề hạ lãi suất, Phó Thống đốc lấy ví dụ. Rõ ràng, các ngân hàng trong năm nay cũng sẽ sớm phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận của mình.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV, ngành ngân hàng năm nay có thể giảm đến khoảng 30.000-40.000 tỉ đồng lợi nhuận, từ các hoạt động trực tiếp như giảm lãi, giãn nợ, phí, và các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với dự kiến hồi đầu năm.
Có độ trễ về mặt tác động
Dịch bệnh Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đóng cửa, và hệ thống ngân hàng phải "gánh chịu" sau cùng, có độ trễ về mặt tác động.
Tuy nhiên, đây cũng là tình hình chung trên toàn thế giới. Theo báo cáo tổng quan về tình hình tài chính quốc tế (Global Financial Stability Overview) của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) công bố vào tháng 4, tổ chức này đánh giá việc dừng các hoạt động kinh tế càng kéo dài lâu thì khả năng tổn thất tín dụng khi cho vay các hộ gia đình và công ty càng lớn. Áp lực còn gia tăng khi tình trạng giá các loại tài sản giảm mạnh, như giá dầu chẳng hạn.
Ngân hàng cũng sẽ đối mặt với việc thua lỗ do gián tiếp, thông qua các khoản vay các hộ gia đình đang làm việc trong các lĩnh vực dễ bị tổn thương. Theo đó, mức sinh lời thấp hơn sẽ làm cho các ngân hàng ít có thu nhập khả dụng để bù lỗ hơn so với trước đây.
Còn theo báo cáo ngành ngân hàng Việt Nam của JP Morgan vào đầu tháng 4, tổ chức này đánh giá rằng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2020-2022 có thể giảm 25-45%, do chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra (NIM) giảm và chi phí tín dụng tăng lên.
Tuy đối mặt với những thách thức về mức sinh lời trong năm nay và năm tiếp theo, nhưng tổ chức này vẫn đánh giá ngân hàng Việt Nam vẫn có lợi thế về mức tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn duy trì ở mức cao trong khối các nền kinh tế Đông Nam Á (ASEAN), thêm vào đó là khả năng nới lỏng mức trần sở hữu khối ngoại.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 8-5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số 630.000 tỉ đồng cho 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch (lũy kế từ 23-1, thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ tuyên bố có dịch). Ngoài ra, ngành ngân hàng còn miễn, giảm phí thanh toán với tổng số tiền khoản trên 1.000 tỉ đồng, trong đó riêng doanh nghiệp chiếm khoảng gần 80% tổng số đã được các tổ chức tín dụng hỗ trợ. |