Cùng với việc lợi nhuận tăng mạnh, thì nợ xấu tiếp tục là một vấn đề đối với các ông chủ nhà băng.
Ảnh minh họa. |
Nhằm giúp bạn đọc có được cái nhìn chi tiết hơn về bức tranh ngành ngân hàng trong quý đầu tiên năm 2017, BizLIVE xin giới thiệu một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của 10 ngân hàng lớn của Việt Nam bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Sacombank và Eximbank.
Tính đến ngày 31/3/2017, tổng tài sản của 10 ngân hàng đạt gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với đầu năm. Trong đó, BIDV vẫn là ngân hàng đứng đầu bảng về tổng tài sản với hơn 1 triệu tỷ đồng, Vietinbank và Vietcombank đứng vị trí thứ hai và thứ ba với tổng tài sản đạt lần lượt 987 nghìn tỷ đồng và 794 nghìn tỷ đồng.
Một điều đáng chú ý, là trong quý I/2017, có 2/10 ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm là Techcombank (-3,4%) và Eximbank (-0,53%) trong khi có 1 ngân hàng tăng trưởng huy động vốn âm là MB (-6,37).
Một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng ngay trong quý đầu năm khá cao bao gồm Vietcombank (8,42%), ACB (8,59%), SHB (5,98%),…
Một hiện tượng chung có thể nhìn thấy rõ ở hầu hết các nhà băng trong kỳ này là chênh lệch tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn khá lớn. Như trường hợp của Vietcombank, trong khi tăng trưởng cho vay lên tới 8,42% thì tăng trưởng huy động vốn chỉ ở mức 3,19%, hay Vietinbank với tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn ở mức lần lượt 5,4% và 1,72%.
Hoạt động tín dụng vẫn chiếm vị trí quan trọng nhất trong cơ cấu thu nhập của các nhà băng. Trong kỳ qua, hầu hết các ngân hàng đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần, điển hình là VPBank (tăng 45,5%), MB (36,1%) hay BIDV (20,68%).
Xét về con số tuyệt đối, nhờ quy mô cho vay lớn, nên ba “ông lớn” có vốn Nhà nước là BIDV, Vietinbank và Vietcombank vẫn đang giữ vị trí đầu với mức lãi thuần, lần lượt đạt 6.806 tỷ đồng, 6.166 tỷ đồng và 5.276 tỷ đồng.
Ngoại trừ Eximbank và Sacombank, 8 ngân hàng còn lại đều có chi phí hoạt động tăng khá cao trong kỳ, trong đó có VPBank (tăng 40%), ACB (tăng 37%), MB (tăng 31,3%).
Chi phí dự phòng tiếp tục là “gánh nặng” của các ngân hàng. Một số nhà băng tăng mạnh chi phí này bao gồm ACB (gần 2,6 lần), MB (gấp 2,4 lần), Vietinbank (tăng 43,3%).
Dù chi phí dự phòng và chi phí hoạt động tăng mạnh, nhưng nhờ lãi lớn từ hoạt động tín dụng, cả 10 ngân hàng đều báo lợi nhuận trước thuế quý I/2017 tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngân hàng báo lãi gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm trước như Techcombank hay Eximbank. Một số “ông lớn” khác cũng báo lãi lên tới cả ngàn tỷ đồng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank,....
Tuy nhiên, cùng với việc lợi nhuận tăng mạnh, thì nợ xấu tiếp tục là một vấn đề đối với các ông chủ nhà băng.
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý I đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tới 8/10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với đầu năm, bao gồm Vietinbank, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Eximbank...
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng nhẹ 2%, lên 29.501 tỷ đồng. 7/10 ngân hàng có nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietcombank, VPBank, Techcombank, Eximbank, MB, SHB...
Với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, Sacombank đang là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm về tỷ lệ nợ xấu, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm. Về con số tuyệt đối, dù có giảm nhẹ so với đầu năm nhưng Sacombank vẫn là một trong những nhà băng đứng đầu với 10.083 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng ở mức 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.
VPBank đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai với mức 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm. Nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vượt mức an toàn chủ yếu đến từ “gà đẻ trứng vàng” FE Credit.
Trần Thúy / BizLIVE