Ảnh minh họa
Dù năm 2016 được xem là năm thuận lợi với xuất khẩu nông sản Việt Nam nhưng xuất khẩu gạo lại mang về một bức tranh "ảm đạm" cả về chất và lượng.
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), trong 11 tháng đầu năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỉ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (giảm 61,6%), Malaysia (giảm 51,5%), Singapore (giảm 34,1%), Bờ Biển Ngà (giảm 29,1%), Hoa Kỳ (giảm 28,3%) và Hồng Kông (giảm 7,7%).
Mức xuất khẩu hết tháng 11 chỉ đạt 4,5 triệu tấn, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Hầu hết doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Theo đó, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2016 là 6,5 triệu tấn (mức xuất khẩu năm 2015), nhưng từ những tháng đầu năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu xuống còn 5,7 triệu tấn, tức là giảm hơn 800.000 tấn. Tuy nhiên, việc hoàn thành chỉ tiêu cả năm 5,7 triệu tấn/năm 2016 cũng được xem là không khả thi.
Hiện nay có khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam được bán tại thị trường châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, tiếp đến là các quốc gia trong khu vực ASEAN gồm Philippines, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang những thị trường này hiện đang chững lại.
Những năm trước đây, 3 nước trong khu vực ASEAN nói trên đã nhập khoảng 2-3 triệu tấn gạo từ Việt Nam nhưng năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%. Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ các nước này có những chính sách quyết đoán về an ninh lương thực, từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.
Riêng thị trường Trung Quốc, với những chính sách về kiểm dịch mới được đưa ra, đặc biệt là Nghị định thư về xuất khẩu gạo và cám gạo giữa Việt Nam – Trung Quốc vừa được công bố giữa năm nay thì quốc gia này đã không còn là thị trường dễ tính nữa. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo đã sụt giảm do cung ở trên thế giới hiện đang vượt xa rất nhiều so với cầu.
Hiện nay, Ấn Độ đã bỏ chế độ tự túc trong nước và giải phóng lượng gạo của mình để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giống như Ấn Độ, Thái Lan hiện đang có một kho dự trữ gạo rất lớn và nước này cũng đang cố gắng giải quyết lượng hàng tồn kho. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất khác như Myanmar hay Campuchia cũng tham gia mạnh vào thị trường, điều này đã tạo ra sức ép và sự cạnh tranh rất lớn về xuất khẩu gạo. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có nhiều những sản phẩm gạo chất lượng cao và đặc biệt là chưa có thương hiệu. Điều này cũng hạn chế về giá trị thu về trong cùng một khối lượng gạo xuất khẩu so với các nước khác.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trước đây, do bối cảnh lịch sử nên nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam chỉ tập trung vào năng suất, sản lượng mà bỏ quên vấn đề chất lượng và thị trường. Vì vậy, muốn phát triển được thị trường trong thời gian tới, Việt Nam phải có những sản phẩm gạo mang tính cạnh tranh, đảm bảo 3 yếu tố là: ngon, sạch và rẻ. Đặc biệt, gạo sạch là xu thế tiêu thụ không chỉ của thế giới mà của ngay cả người dân trong nước.
Do đó, để đảm bảo 3 tiêu chí trên, ngành lúa gạo Việt Nam phải bắt nguồn từ khâu sản xuất, có những cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Đặc biệt, rà soát tình hình thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, đề xuất giải pháp cụ thể, phân tích rõ các khó khăn vướng mắc tại các thị trường tập trung, tận dụng các khả năng tiếp cận thị trường, thâm nhập vào các thị trường khó tính, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại đã ký kết.
Ngoài ra cũng cần tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa, gạo theo hướng đi vào chiều sâu là nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ngắn hạn, cần xây dựng vùng nguyên liệu an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cân đối sản lượng lúa, gạo hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Hiện Bộ NN&PTNT đã thông qua Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án sẽ tập trung vào những nhiệm vụ lớn như tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay... Chính phủ đã xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đã ban hành nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa, chế biến theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là những biện pháp lâu dài nhằm giúp việc xuất khẩu gạo ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Tuyết Nhung / motthegioi