Bên cạnh đầu tư trực tiếp, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng đang bùng nổ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Món ngon “lên bàn”
Thông tin liên tiếp thời gian gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 4 công ty là Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC). Đây đều là “hàng ngon” trên thị trường, song có lẽ “món ăn” được chờ đợi nhiều nhất chính là việc Nhà nước sẽ thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - doanh nghiệp hiện nắm giữ tới 40% sản lượng của thị trường bia Việt Nam.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) là một trong những “món ngon” được nhà đầu tư nước ngoài trông đợi. |
Cụ thể, sẽ có 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco (tương ứng 53,59% vốn điều lệ của Sabeco), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần được chào bán, với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phần. Với tỷ lệ số cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ của Sabeco, thì với đợt chào bán này, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài “nhảy vào” Sabeco là rất lớn.
Thông tin được chính Chủ tịch của Sabeco cho biết, tại các cuộc roadshow giới thiệu cổ phiếu của Sabeco tại thị trường nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh đồ uống, đã “cực kỳ” quan tâm đến việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco.
Xa hơn nữa, vào quý I/2018, ông lớn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng sẽ thoái vốn nhà nước. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch AVC đã xác nhận thông tin này và cho biết, Nhà nước sẽ thoái 20% vốn điều lệ của ACV, tương đương 435,4 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Không chỉ với các ông lớn Sabeco, AVC, hay Vinamilk, Habeco…, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm tới việc góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam, qua cả sàn chứng khoán lẫn ở ngoài sàn. Chẳng hạn, Synnex Technology International Corporation (Synnex - Mỹ), rồi VinaCapital và Dragon Capital đã mua cổ phần tại FPT Retail và FPT Retail.
Mới đây, Sumitomo Forestry (Nhật Bản) cũng hợp tác chiến lược với Gỗ An Cường, một công ty chuyên kinh doanh vật liệu gỗ công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trước đó, ngay cả Samsung Securities cũng đã mua lại cổ phần tại Dragon Capital để bắt đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua đầu tư tài chính.
Từ đầu năm tới ngày 20/11/2017, đã có 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,29 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ 2016. Đây là các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp ngoài sàn, là hình thức đầu tư thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm nay. |
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Dragon Capital chính là đơn vị quản lý Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL) - quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Hiện quỹ này đã đầu tư vào hàng loạt “món ngon” tại Việt Nam như Vinamilk, Thế giới Di động, MB, ACB, FPT, PV Gas, Vietjet Air, VPBank…
Bùng nổ góp vốn, mua cổ phần
Càng nhiều món ngon, thị trường càng bùng nổ. Điều đáng chú ý là, các nhà đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp lớn cũng đầu tư nhiều qua hình thức góp vốn, mua cổ phần và coi đây là một kênh đầu tư hấp dẫn, lại tiết kiệm cả thời gian, chi phí.
Chẳng hạn, 11 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 741 triệu USD qua góp vốn, mua cổ phần. Con số của nhà đầu tư Nhật Bản là 434 triệu USD, của Singapore là 611 triệu USD, của Thái Lan là 323 triệu USD…
Đáng chú ý là, các nhà đầu tư BritishVirginIslands đã chi tới trên 1 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư (1,45 tỷ USD) mà nhà đầu tư này đã đăng ký tại Việt Nam kể từ đầu năm tới nay. Năm ngoái, BritishVirginIslands chỉ chi trên 35 triệu USD để góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam.
Xu hướng này, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, là sẽ ngày càng mạnh hơn trong thời gian tới. “Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”, ông Quang nói và cho rằng, chính vì lẽ đó, cần có sự tính toán và điều chỉnh chính sách để đón đầu cho phù hợp.
Trong khi đó, báo cáo cách đây ít ngày của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, 11 tháng đầu năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. “Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các doanh nghiệp lớn để tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Cách đây ít tháng, khi Diễn đàn M&A Việt Nam diễn ra, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng, cần thiết phải “kích nổ” các thương vụ lớn, như Sabeco, Habeco... Khi đó, giá trị thị trường M&A Việt Nam sẽ đạt cao hơn kỳ vọng nhiều. Và bây giờ, dù chưa có Sabeco hay Habeco, ACV, thì sức nóng đã rất lớn. Thị trường hứa hẹn bùng nổ mạnh hơn khi những thương vụ lớn được kích hoạt, với sự dẫn dắt của dòng vốn ngoại.
Nguyên Đức / baodautu