Nếu như hình thức mua bảo hiểm trực tuyến đã bắt đầu trở nên quen thuộc đối với các khách hàng của các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, thì với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hình thức này vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ.
Theo nhận định của một số chuyên gia về bảo hiểm và thương mại điện tử, năm 2017 sẽ là năm mở đầu cho sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ theo hình thức đăng ký trực tuyến.
Chuyển đổi quyền lực cho người tiêu dùng
Sự gia tăng nhanh chóng trong việc sử dụng Internet thời gian qua đang thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Với những ưu điểm về tính tiện dụng, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian giao dịch, ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn hình thức mua sắm trên mạng (internet shopping) cho các sản phẩm như thời trang, hàng điện tử, hàng gia dụng hay thực phẩm, thậm chí bảo hiểm - một loại hình sản phẩm mà trước đây khách hàng chỉ mua được qua các Tư vấn viên bảo hiểm.
Xu hướng mua sắm trực tuyến đang bắt đầu có ảnh hưởng đến thói quen kinh doanh của các công ty cung cấp các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm nhân thọ. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đó chính là sự chuyển đổi quyền lực cho người tiêu dùng.
Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp hiện nay phải phục vụ cho nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng, đồng thời luôn sẵn sàng đáp ứng vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu khi người tiêu dùng lựa chọn để tương tác với công ty, đó là các kênh truyền thống như đại lý, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), qua mạng xã hội, hay các kênh kỹ thuật số”.
Anh Hoàng Sơn (quận 3, TP. HCM) chia sẻ: “Nhờ có Internet mà giờ đây khi mua sắm, tôi có thể chủ động tìm kiếm thông tin về sản phẩm và thương hiệu mà tôi quan tâm. Tôi có thể dễ dàng so sánh thông tin về các sản phẩm trước khi đưa ra quyết định”.
Theo một nghiên cứu của Pricewaterhouse Cooper (PwC), có khoảng 61% người tiêu dùng từ độ tuổi 18-54 tuổi thấy hấp dẫn với hình thức đăng ký bảo hiểm nhân thọ trực tuyến.
“Mặc dù phần lớn khách hàng vẫn muốn tương tác và nhận được sự tư vấn trực tiếp của các đại lý bảo hiểm, nhưng đối với các khách hàng trẻ sành về công nghệ và với việc cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp, việc tự tìm hiểu về sản phẩm trên mạng đang trở nên phổ biến hơn”, ông Paul Nguyễn cho biết thêm.
Và những trải nghiệm hiện đại
Tại một số thị trường bảo hiểm phát triển, bên cạnh các kênh phân phối đang khai thác rất thành công như kênh đại lý hay bancassurance, kênh phân phối bảo hiểm trực tuyến cũng đang được đẩy mạnh khai thác.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc công bố tháng 4/2016, trong năm 2015, doanh số bán bảo hiểm bằng hình thức trực tuyến tại thị trường này đạt 7,56 tỷ won (khoảng 6,58 triệu USD) so với mức 1,88 tỷ won năm 2012, đạt mức tăng gần 300%.
Tại Việt Nam, kênh bán hàng mới này cũng đang bắt đầu được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn quan tâm. Chẳng hạn, đầu tháng 12 vừa rồi, Manulife Việt Nam đã trình làng trang web bảo hiểm trực tuyến (e-commerce) www.baohiemonline.manulife.com.vn sau gần 1 năm xây dựng và hoàn thiện ý tưởng.
Ông Paul Nguyễn chia sẻ, dẫn đầu thị trường trong việc kết nối khách hàng thông qua các công cụ kỹ thuật số là một trong những chiến lược quan trọng của Manulife châu Á nói chung và Manulife Việt Nam nói riêng trong những năm tới. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, Manulife Việt Nam liên tục cho ra mắt những công cụ áp dụng công nghệ số để hỗ trợ đội ngũ Tư vấn Tài chính phục vụ khách hàng, ví dụ như ứng dụng Manu-Ipro.
“Với việc đưa vào hoạt động trang web bán bảo hiểm trực tuyến lần này, chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và hiện đại về bảo hiểm nhân thọ”, ông Paul Nguyễn nói.
Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, sự phát triển của mô hình bảo hiểm trực tuyến sẽ không ảnh hưởng đến doanh số bán bảo hiểm của kênh truyền thống đại lý hay kênh bancassurance. Mô hình phân phối bảo hiểm trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tận dụng và khai thác tối đa cơ hội tiếp cận với phân khúc khách hàng mới.
Gia Linh (Đặc san Toàn cảnh Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2016)