Một trong những bước đột phá của tỉnh Hải Dương trong 5 năm gần đây là bộ mặt giao thông và đô thị ngày càng phát triển khang trang, hiện đại, đồng bộ và văn minh hơn.
Tỉnh Hải Dương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ, TP Hải Dương có lợi thế lớn trong giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương trong vùng đồng bằng Bắc bộ.
Đây là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Phát huy lợi thế đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo tiềm lực trong xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh.
Toàn tỉnh đã hình thành một số khu đô thị mới hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính và nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I, Chí Linh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Kinh Môn trở thành thị xã. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 32,2%/
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng xác định, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nhiều dự án phát triển đô thị, khu dân cư thời gian qua đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nguồn vốn từ quỹ đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng... Đó là, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hình thành Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers) - một dấu ấn trong xây dựng đô thị Hải Dương. Hay như Khu đô thị sinh thái Thành Công tạo điểm nhấn mới trong phát triển và mở rộng không gian đô thị Kinh Môn; Khu dân cư hồ Mật Sơn góp phần thay đổi diện mạo đô thị TP Chí Linh; Tổ hợp chung cư Bạch Đằng Lakeview ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương)... Bên cạnh những khu đô thị, khu dân cư mới, những công trình công cộng cũng được Hải Dương quan tâm phát triển trong thời gian qua, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers) - một dấu ấn trong xây dựng đô thị Hải Dương. Ảnh: Thành Chung
Qua đó, ưu tiên nguồn lực và phối hợp với các tỉnh bạn đầu tư các công trình giao thông nhằm kết nối liên tỉnh như Dự án Cầu Triều và đường dẫn nối QL18 (thị xã Đông Triều) với đường tỉnh 398B (thị xã Kinh Môn); Dự án xây dựng Cầu Dinh kết nối QL17B, đường tỉnh 389 (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 352 (huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng); Dự án xây dựng Cầu Quang Thanh kết nối đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 360 (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng); Dự án kết nối đường trục trung tâm đô thị Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đến QL38.
Hạ tầng đô thị thiết yếu khu vực nông thôn như: đường giao thông, công trình cấp nước sạch... được cải thiện rõ nét. Hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị, nhất là thành phố Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn được đầu tư nâng cấp, tạo được nét khởi sắc mới. Hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp cơ bản được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung đầu tư tạo động lực mới cho phát triển, như: Đường trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương: Đã hoàn thành giai đoạn 1; Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương: Hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục Trung tâm văn hóa xứ Đông và Quảng trường; Dự án phát triển khu du lịch, dịch vụ sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô 300 ha tại khu vực di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu văn hóa - thể thao tỉnh Hải Dương và Trung tâm huấn luyện bóng bàn đã được phê duyệt danh mục đầu tư, đang thu hút, lựa chọn nhà đầu tư.
Trung tâm văn hóa Xứ Đông, gắn với quảng trường rộng, đẹp sẽ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thanh Tân
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ đã đầu tư hoàn thành một số công trình giao thông quan trọng như: đường 62m kéo dài đến nút giao Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường dẫn phía Bắc Cầu Hàn... Công tác quản lý, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn được tăng cường. Hệ thống hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những thành quả quan trọng trong phát triển đô thị đã giúp Hải Dương đang tiến gần tới việc hoàn thành mục tiêu được đặt ra trong Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2020 định hướng 2030 là nâng tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 45%, năm 2030 đạt trên 60%; chương trình Xây dựng và phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn tới 2030.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị thế, phát huy những nền tảng, thế mạnh sẵn có, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.