Số lượng in an toàn và phổ biến cho mỗi tựa sách tại Việt Nam trung bình là 1.000 bản. Chỉ 1.000 bản sách trên dân số là 92 triệu người đôi khi lại là bài toán đầy cân não với người làm sách...
Trừ sách giải trí đại chúng, những đầu sách nặng tính học thuật có số lượng phát hành 1000 bản thường bán khó khăn tại thị trường trong nước. Ảnh: NGUYỄN VINH |
Bên lề cuộc ký kết tác quyền với một nhà văn gần đây, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đã chia sẻ với phóng viên TBKTSG về câu chuyện vì sao con số là 1.000 bản trên mỗi đầu sách lại là con số phổ biến.
Ông Nhựt gọi đó là “công thức 1.000”. Vì theo ông, đơn vị ông (và có lẽ cũng nhiều đơn vị xuất bản khác) sử dụng “cách tính” này để xử lý bài toán kinh doanh. Cụ thể như sau: với một tựa sách được in lần đầu 1.000 bản thì nhà xuất bản, nếu tính toán cung cấp cho đối tác là 65 thư viện cấp tỉnh, thành phố trên cả nước, thì chỉ cần mỗi thư viện lấy 10 bản, đã có thể “đẩy” hết 650 bản; còn lại 350 bản thì chỉ cần “rải” trên hệ thống phát hành từ Bắc tới Nam là coi như cầm chắc “xử lý êm”.
Nhưng có phải đầu sách nào cũng có thể đi vào thư viện, nhà xuất bản hay công ty sách nào cũng có thể trở thành đối tác của thư viện? - Trong quá khứ, khi liên kết xuất bản và vai trò tư nhân trong xuất bản chưa được thừa nhận chính thức bằng luật cho phép liên kết xuất bản, thì đặc quyền đặc lợi đưa sách vào thư viện vẫn thuộc về các nhà xuất bản trong hệ thống xuất bản chính thống của nhà nước. Hệ thống thư viện chính là đối tác lớn của các nhà xuất bản, nếu xây dựng được nền tảng quan hệ tốt đẹp với các thư viện, thì hiển nhiên, giải quyết “công thức 1.000” theo cách tính trên là chuyện rất đơn giản.
Tuy nhiên, hiện nay, câu chuyện đã không còn đơn giản như vậy khi thị trường sản xuất ngoài 64 nhà xuất bản còn có gần bằng con số ấy những nhà sách có chức năng liên kết sản xuất, có vài chục công ty sách tư nhân chứng minh đủ (và có những trường hợp còn xứng đáng hơn cả nhà xuất bản chính thống) năng lực chuyên môn để có thể đứng ra tổ chức bản thảo, biên tập nhưng vẫn phải xin (hoặc mua) giấy phép của nhà xuất bản để ấn hành sách một cách hợp pháp. Như vậy, từ phía tổ chức đầu ra cho sách, cuộc chen chân vào các thư viện theo kiểu truyền thống đã không còn đơn giản. Điều này cũng tác động tích cực trở lại chính những đối tác của thư viện, đó là nhà xuất bản trong hệ thống nhà nước phải làm ra những đầu sách có tính cạnh tranh cao về chất lượng, không thể chỉ dựa vào mối quan hệ đối tác trong quá khứ nếu không muốn chật vật với thực tế thả 1.000 bản sách trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát được và ngậm đắng nuốt cay kết thúc số phận của chúng vào những mùa giảm giá xả kho cuối năm.
Thật phi lý khi việc giải quyết cái “công thức 1.000 bản sách” lại căng thẳng như vậy trên thị trường hơn 92 triệu dân. Nhưng sẽ vẫn khó tìm ra câu trả lời chung hòng tháo gỡ một cách hữu lý khi vẫn còn cái nhìn thiên lệch giữa vị thế nhà nước (nhà xuất bản) và tư nhân (công ty tham gia liên kết làm sách) trong xuất bản và đầu ra vẫn dựa dẫm chính vào công thức truyền thống - như thư viện hay hệ thống tiêu thụ là các ban ngành nhà nước đặc thù mà thiếu sự tương tác với thị trường.
Xuất bản sách nhất định phải hướng ra thị trường, và thị trường triệt để mới mong thoát những lời nguyền cũ kỹ. Trong những câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm của một số nhà xuất bản nước ngoài gần đây, có thể nhận ra ở những nền công nghiệp xuất bản phát triển cao, thường số lượng ấn bản trên mỗi tựa sách được quyết định theo phương thức sau: nhà sản xuất nhận bản thảo sẽ thẩm định, viết thông tin tác giả, tóm tắt và trích dẫn những phần đặc thù nhất của tác phẩm và gửi đến các đối tác phát hành, từ đây thông tin cơ bản của bản thảo sẽ được chuyển đến hệ thống chăm sóc khách hàng để thăm dò nhu cầu; trong vài ba tháng hệ thống phát hành sẽ chuyển phản hồi ban đầu của thị trường về cho nhà sản xuất, từ đó có thể quyết định số ấn bản là bao nhiêu. Dĩ nhiên cũng có những đầu sách tồn kho. Việc các nhà phát hành giảm giá xả kho được thông báo với nhà sản xuất và có thỏa thuận khống chế ở một mức độ nhất định, khi giảm sâu vẫn “bán không trôi”, thì sách được trả lại cho phía đơn vị xuất bản để xử lý tái chế. Điều này cũng làm cho các nhà sản xuất phải tính toán, nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường ngay từ đầu để tránh rủi ro trong đầu tư, tránh lãng phí cho xã hội khi xuất bản dư thừa thứ thị trường không cần đến.
Trong khi đó, quy trình thăm dò nhu cầu thị trường sách của phía nhà sản xuất hiện nay tại Việt Nam chưa được đề cao do các nhà phát hành chưa xây dựng được mạng lưới thẩm định chuyên môn lẫn tương tác khách hàng tốt và bản thân các nhà sản xuất (xuất bản) vẫn nhấn nút in trong tình trạng dự đoán thị trường đầy cảm tính. Đó là một trong những lý do dẫn đến việc những sách mà người làm sách tự thấy là hay, đáng đọc thì ì ạch 1.000 bản bán năm này qua tháng khác không hết, nhưng đôi khi lại bất ngờ vì những cuốn sách mà chính người làm xuất bản coi nhẹ thì lại được thị trường xôn xao đón nhận.
Một trong những hình thức giải công thức 1.000 khác, ngoài việc thăm dò thị trường, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, đó chính là các nhà xuất bản có thể tổ chức mô hình in ấn theo nhu cầu cá nhân với những đầu sách đặc thù, kén người đọc. “Điều này không mới đối với nước ngoài nhưng tại Việt Nam là một hình thức xuất bản mới mẻ cần hướng tới. Ở đó, nhà xuất bản đáp ứng nhu cầu xuất bản theo đặt hàng với những đầu sách cũ, sách cá nhân in tặng hay bán trong khu vực thị trường hẹp. Việc biến nhà xuất bản thành cổng xuất bản, in theo đặt hàng trong khuôn khổ luật pháp cho phép với thị trường Việt Nam là cần thiết. Làm được điều này sẽ đi đến một việc, chính người đọc trong thị trường phân hóa mạnh sẽ quyết định số ấn bản cho mỗi đầu sách và sẽ dân chủ hơn trong việc quyết định sự có mặt của những quyển sách trên thị trường, tránh tình trạng mà chúng ta vẫn thấy: người làm sách duy ý chí và sách thì ế ẩm. Đây cũng là một cách để tránh cái “công thức 1.000” theo kiểu tính truyền thống khi bối cảnh ngành xuất bản đang có những thay đổi”, ông Nhựt nói.
Đôi khi phải chấp nhận một điều cay đắng: cần giải lời nguyền “công thức 1.000” bằng việc chủ động in vài trăm bản trên mỗi đầu sách, nếu thực sự nhu cầu thị trường chỉ đến đó!
(theo Nguyễn Vinh - TBKTSG)