Tại hội chợ mua sắm Tết vừa qua tại nhà thi đầu Phú Thọ, Quận 11, TPHCM, gian hàng Vinamit tạo ấn tượng mạnh cho khách tham quan với các cô tiếp viên xinh đẹp di chuyển trên những chiếc xe điện tự cân bằng giới thiệu các sản phẩm trái cây sấy dẻo từ mít cho đến mận, ổi, xoài... Tuy vậy, có lẽ điều đặc biệt nhất đến từ tấm bảng hiệu Vinamit Organics, do chữ organic gắn liền với quan niệm thực phẩm hữu cơ, vốn thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua.
Khách mua sắm các sản phẩm trái cây sấy dẻo của Vinamit tại hội chợ - Ảnh: Đức Tâm |
TBKTSG Online có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, xoay quanh ngã rẽ mới của doanh nghiệp này.
TBKTSG Online: Thưa ông, gần đây chúng tôi thấy chữ Organics hiện diện cùng thương hiệu Vinamit. Phải chăng đây là thời điểm thích hợp để chúng ta nói về thực phẩm hữu cơ?
- Ông Nguyễn Lâm Viên: Khái niệm thực phẩm hữu cơ, hay organic, đã xuất hiện trên thế giới từ năm 1997 và khoảng năm năm gần đây trở thành một xu hướng thu hút được rất nhiều sự chú ý khi con người ta ngày càng quan tâm đến sức khỏe.
Đó là một xu hướng mà doanh nghiệp muốn cạnh tranh với các đối thủ trên bình diện quốc tế không thể đứng ngoài cuộc chơi. Và chúng tôi đã chuẩn bị cho ngách thị trường này từ hơn ba năm nay với một trang trại 200 héc ta trái cây hữu cơ, chủ lực là mít, xoài và sầu riêng tại Phú Giáo, Bình Dương.
Đây cũng sẽ là tiền đề để chúng tôi mở rộng tiếp sang 2.000 héc ta tại Đăk Lăk.
Nhưng theo tôi quan sát, các sản phẩm của Vinamit vẫn chưa được cấp chứng nhận hữu cơ?
- Chính xác là vậy. Hiện chúng tôi đang thực hiện những bước cuối cùng để được cấp chứng nhận hữu cơ, từ sản phẩm, đến nhà máy chế biến, đóng gói. Dự kiến cuối năm nay, mọi thứ sẽ được hoàn tất.
Đó là lý do các sản phẩm của chúng tôi được đóng gói với tên mô tả Vinamit Natural, tức các sản phẩm tự nhiên, chứ chưa dùng chữ Organic.
Thế còn chữ Organics trong Vinamit Organics, thưa ông?
- Vinamit Organics sẽ là một chuỗi cửa hàng chuyên các sản phẩm organic, không chỉ của riêng Công ty CP Vinamit mà sẽ có tất cả các sản phẩm organic khác từ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Như anh thấy, hiện chúng tôi đã có những sản phẩm được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ như gạo Hoa Sữa, các loại trà lài, trà Oolong… Organic là cái mà chúng tôi hướng đến và đó cũng là cứu cánh cho nền nông nghiệp tiểu nông của chúng ta.
Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Nền nông nghiệp của chúng ta khá manh mún, diện tích canh tác của các hộ nông dân nhỏ hẹp và sẽ rất khó để tiến đến nền nông nghiệp đại công nghiệp. Mà dẫu có gượng ép tiến lên nền nông nghiệp quy mô lớn như vậy, tôi cho đó là một hướng đi sai lầm bởi chúng ta không có lợi thế cạnh tranh trong một nền nông nghiệp vĩ mô: diện tích nông nghiệp chúng ta thua các quốc gia khác, công nghệ chúng ta cũng đi sau. Ngoài ra, một nền nông nghiệp vĩ mô với hóa chất được sử dụng hàng loạt sẽ không giúp chúng ta phát triển bền vững được.
Ngược lại, với diện tích nhỏ, nông dân có thể chuyển qua canh tác hữu cơ với phân trùn quế cùng các chế phẩm vi sinh vốn khá quen thuộc với người nông dân; chưa kể hiện nay thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng tiêu dùng được đón nhận, thị trường rất lớn và giá trị gia tăng mang lại cao.
Tóm lại, theo tôi, nền nông nghiệp chúng ta đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn, nhanh hơn so với chuyển hướng vào đại nông nghiệp, đồng thời các sản phẩm làm ra sẽ có giá trị canh tranh hơn rất nhiều.
Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
- Làm nông nghiệp hữu cơ để kinh doanh một cách bài bản không phải là chuyện dễ. Đã một thời gian dài chúng ta sử dụng quá nhiều hóa chất trong trồng trọt. Đất và nguồn nước đều nhiễm hóa chất và kim loại nặng, cần khoảng ba năm chuyển tiếp để làm sạch. Trong nông nghiệp, có thể nói, với tình hình Việt Nam hiện tại, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất.
Khi đã có một mảnh đất tốt, hãy chọn những sản phẩm dễ để làm trước, ví như trái cây, mà cụ thể nhất là dừa và thốt nốt. Đây là hai dòng sản phẩm phát triển tương đối tự nhiên mà có thể không cần phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.
Cần lưu ý đến dòng đời của sản phẩm. Tôi thấy một số bạn trẻ khi nói đến nông nghiệp hữu cơ là nghĩ đến rau đầu tiên. Điều đó rất mạo hiểm vì dòng đời sản phẩm này rất ngắn, chỉ 24 tiếng, nhiều lắm là 48 tiếng trong khi kỹ thuật bảo quản và logistics của chúng ta còn lắm vấn đề.
Tại sao lại phải chọn vấn đề khó như vậy để bắt đầu? Trong khi mình có thể làm những cái dễ hơn và lấy cái ngắn hạn để nuôi cái dài hạn nếu thật sự các bạn muốn làm rau hữu cơ.
Ngay như tôi, cũng chỉ bắt đầu bằng các dòng trái cây quen thuộc với Vinamit và được thị trường chấp nhận. Rau hữu cơ sẽ là lựa chọn sau cùng của tôi, bên cạnh thịt cá.
Thế nhưng nếu không ai trồng thì lấy đâu rau hữu cơ để dùng?
- Hãy bắt đầu bằng rau an toàn theo chuẩn VietGap, Global Gap trước khi làm những sản phẩm khó hơn với mức đầu tư cao hơn.
Nghĩ đến cộng đồng là điều tốt nhưng đã kinh doanh thì phải tính hiệu quả kinh tế nếu muốn đi đường dài và bền vững.
Ông có thể chia sẻ đôi nét về năng lực sản xuất của Vinamit hiện nay?
- Chúng tôi có ba nhà máy sản xuất: một ở Daklak có diện tích 9 héc ta, một ở Bình Dương 5 héc ta, một ở Kiên Giang 3 héc ta; ba nhà máy đông lạnh tương ứng tại Madagui – Lâm Đồng, Gia Kiệm – Đồng Nai, Đăk Nông và một tổng kho ở Hải Dương.
Mỗi năm chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn sản phẩm trái cây sấy khô, sấy dẻo, sấy lạnh các loại, trong đó 60 – 70% dành cho xuất khẩu, phần còn lại dùng cho thị trường nội địa.
Nhưng trong xuất khẩu, thị phần gia công chiếm sản lượng tương đối lớn?
- Quan trọng anh được thị trường chấp nhận và đạt lợi nhuận tốt trong kinh doanh. Đừng nghĩ làm gia công là không hay. Thậm chí có nhiều sản phẩm làm gia công còn bán có giá tốt hơn sản phẩm Made in Vietnam.
Tại sao lại như vậy?
Trên thị trường, sản phẩm Việt Nam vốn chưa có thương hiệu nên bán rất khó. Đã vậy, trong hai năm 2014 – 2015 vừa qua, sự kiện trái cây tẩm hóa chất ép chín gây hoang mang dư luận và đừng nghĩ điều này chỉ gói gọn trong biên giới Việt Nam.
Một số nơi, họ xem sản phẩm Việt Nam đáng ngại như sản phẩm Trung Quốc. Ngay cả Trung Quốc, họ cũng sợ sản phẩm Việt Nam.
Gần đây, ta thấy chất Ethephon, một hoạt chất được nhiều nông dân sử dụng để ép chín trái cây mà thời gian qua báo chí đưa tin là chất độc hại, thực ra là một chất không gây độc hại như mọi người nghĩ.
Anh thấy đấy, sự thiếu hiếu biết nhưng thừa nhiệt tình của một bộ phận truyền thông đã gây ra những điều đáng tiếc.
Quay lại câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp của các bạn trẻ, nhiều người than rằng họ thiếu vốn để có thể kinh doanh thành công?
- Tôi là một người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Vấn đề quan trọng là đi đúng hướng và có sự khác biệt thì không sợ vốn. Khách hàng sẽ là người đầu tư vốn cho bạn nhiều nhất.
Nếu bạn có sản phẩm tối ưu hóa phẩm chất với giá hấp dẫn, chắc chắn người ta sẽ giành nhau mua sản phẩm của bạn.
Ví dụ đơn giản, nếu bạn có một tấn trái cây hữu cơ, và cam kết giao hàng đúng chất lượng, số lượng và thời hạn, hãy nói, tôi sẽ ứng tiền mua trước sản phẩm của bạn.
Nếu có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp, ông sẽ nói gì?
- Cần biết cân đối giữa cái ngắn hạn và dài hạn. Nắm cơ hội ngắn hạn để nuôi ý tưởng trong dài hạn. Cần biết lượng sức mình và làm cái mình tốt nhất trong chuỗi cung ứng. Nhiều bạn trẻ thường có suy nghĩ rằng tại sao mình bán cho họ có 1 triệu mà họ bán ra thị trường đến 5 triệu? Bán 5 triệu là việc của họ. Nếu bạn chuyên sản xuất, bạn không thể làm thay công việc bán hàng của họ. Việc của bạn là tối ưu hóa giá bán của mình để đạt lợi nhuận cao nhất.
Xin cảm ơn ông!