Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đang xây dựng, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh và doanh nghiệp (DN) để hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
Kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ sẽ được quản lý chặt hơn |
Bãi bỏ nhiều điều kiện, thủ tục…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết, việc ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 26 và Nghị định 108 trước đây là một bước tiến mới trong quản lý hóa chất. Cụ thể trong Nghị định này Bộ Công Thương đã bãi bỏ 46 điều kiện sản xuất, lưu trữ, kinh doanh hóa chất. Bãi bỏ 4 thủ tục hành chính (TTHC) bao gồm: Xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; xác nhận khai báo hóa chất sản xuất; cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn hóa chất; đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm. Trong công tác quản lý khai báo hóa chất, nghị định đã quy định chuyển việc khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Theo bà Dương Thị Phượng – Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Hoya Glass Dick Việt Nam - Nghị định 113 đã có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của công ty. Cụ thể, mảng nhập khẩu hóa chất, nếu thực hiện theo Nghị định, công ty chỉ cần khai báo với Cục Hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, kết quả nhận được Cục Hóa chất sẽ gửi thẳng cho hải quan. Như vậy, DN sẽ không mất nhiều thời gian cho thủ tục mang tính liên thông này. Ưu điểm này đã tạo điều kiện thông thoáng cho DN, cắt bỏ những thủ tục rườm rà.
… Nhưng quản lý chặt hơn
Theo Nghị định 113 và Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành, việc kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ sẽ được quản lý chặt hơn. Ông Lưu Hoàng Ngọc cho hay, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hóa chất phải đáp ứng các điều kiện về kho bãi, môi trường. Trong khi thực tế các hộ nhỏ lẻ khó có thể tuân thủ khi kinh doanh mặt hàng hóa chất hạn chế, tiền chất tại gia đình như hiện nay, mà buộc họ phải có kho chứa hoặc kinh doanh ở dạng trung gian. “Vì vậy, trong Nghị định 113 cũng bổ sung thêm điều kiện để tháo gỡ cho các hộ tư nhân, tức là tạo điều kiện cho hộ kinh doanh theo hình thức trung gian, hoặc thuê kho bãi ở nơi khác”,- ông Lưu Hoàng Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất phải được thực hiện tại địa điểm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan. Thiết bị san chiết, đóng gói hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.
Dự thảo cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt ở cấp địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ của các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tập trung quy hoạch các khu vực kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ tại các khu đô thị, nhằm tăng cường quản lý và đáp ứng các quy định về an toàn hóa chất.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP với việc bãi bỏ hàng loạt các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, thủ tục hành chính được cộng đồng DN đánh giá cao. |
Lan Anh