Thông tin tại Hội nghị “Cà Mau - Tiềm năng và cơ hội đầu tư” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án cảng biển, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, xây dựng hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, hoàn thiện mạng lưới giao thông...
Nhiều nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ đầu tư, cam kết đầu tư vào Cà Mau ngay tại Hội nghị
Trong đó, tỉnh Cà Mau đặc biệt chú trọng đến việc kêu gọi đầu tư vào Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, có tổng vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD, dự kiến khi hoàn thành sẽ đón tàu có tải trọng đến 250.000 DWT. Dự án được Cà Mau đặc biệt quan tâm, coi đây là dự án hạ tầng mang tính chất động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Dự án sử dụng 100% vốn của nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư tự huy động vốn.
Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, để kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho dự án này, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước (dự án được miễn toàn bộ tiền thuê đất, mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đầu tư); ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm); miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định của dự án…
Các dự án trong lĩnh vực du lịch sinh thái cũng được tỉnh Cà Mau ưu tiên mời gọi đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Dự án Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau được xây dựng trên diện tích hơn 159 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự án này kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Một dự án khác cũng kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là Dự án Du lịch sinh thái Sông Trẹm, có diện tích 110 ha, vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Trước khoảng 200 nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị, người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau cam kết, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án tại Cà Mau. Để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, Cà Mau đang và sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung đào tạo và nâng cao trình độ tay nghề cho lao động; hoàn thiện cơ chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ Hội nghị, tuy chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào chính thức “bén duyên” với Cà Mau, song đã có không ít các nhà đầu tư nội thuộc hàng “khủng” đã ký bản ghi nhớ đầu tư, cam kết đầu tư vào Cà Mau. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã ký ghi nhớ đầu tư xây dựng Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Cà Mau và xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại Nguyễn Kim Cà Mau.
Cũng trong dịp này, tỉnh Cà Mau trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư Thúy Sơn, đầu tư Dự án Kỹ nghệ gỗ FSC-FM/CoC, công suất 30.000 m3 gỗ tròn/năm, vốn đầu tư 148 tỷ đồng, tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh; Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau đầu tư Dự án Nhà ở xã hội cho công nhân ở TP. Cà Mau, có vốn đầu tư 197 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thủy sản N.G Việt Nam đầu tư dự án trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Ngọc Hiển, với vốn đầu tư 70 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã có 2 dự án được tỉnh Cà Mau trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch sinh thái Khai Long - Cà Mau tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, có vốn đầu tư đăng ký lên tới 5.519 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng trên diện tích 2.185 ha.
Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã có 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 6.629 tỷ đồng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có tổng số 205 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, với tổng vốn đăng ký là 83.044 tỷ đồng.
Hồng Sơn / baodautu