Các đối thủ cạnh tranh lớn của cá ngừ Việt Nam tại Israel đều là các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Thái Lan, Trung Quốc.
Ảnh minh họa
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Israel là một quốc gia phát triển tại khu vực Trung Đông với thu nhập bình quân đầu người ở mức 33.700 USD/năm (CIA Factbook, 2015). Đây cũng là một trong những thị trường lớn cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Đáng chú ý là mặt hàng cá ngừ đang trở thành một trong các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 297,9 triệu USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2015 với các mặt hàng chính là: điện thoại di động các loại và linh kiện (156,3 triệu USD), hạt điều (20,5 triệu USD), giày dép các loại (17,9 triệu USD), hàng thủy sản (16,6 triệu USD), cà phê (13,4 triệu USD). Riêng đối với mặt hàng cá ngừ, 6 tháng đầu năm 2016 đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 8,6 triệu USD – tăng trên 4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Israel là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ chính của Việt Nam. Người Israel thường sử dụng cá ngừ trong các món ăn như salad, các nhà hàng sushi. Với tỉ lệ người béo phì trên 20%, Bộ Y tế Israel cũng từng ra thông báo khuyến khích người dân ăn cá ngừ để bổ sung hàm lượng omega 3 và các chất béo trung hòa. Cũng theo VASEP, hiện Israel chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam thăn cá ngừ chương HS0304, chiếm xấp xỉ 60% tổng giá trị xuất khẩu sang mặt hàng cá ngừ sang thị trường này. Tiếp đến là cá ngừ chế biến khác chương HS16, chiếm khoảng 30%.
Các đối thủ cạnh tranh lớn của cá ngừ Việt Nam tại Israel đều là các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như: Thái Lan, Trung Quốc.
Theo thống kê của UN Comtrade, cá ngừ xuất xứ Thái Lan hiện đang dẫn đầu trong kim ngạch nhập khẩu cá ngừ của thị trường Israel với giá trị nhập khẩu ở mức 18.6 triệu USD trong năm 2015. Nhập khẩu từ Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần, từ trên 40 triệu USD trong năm 2013 xuống còn 13,9 triệu USD trong năm 2015. Nhập khẩu từ Việt Nam ở mức trung bình trong 3 nước – đạt 15,5 triệu USD trong năm 2015.
Xét về chủng loại, Việt Nam xuất khẩu nhiều loại cá ngừ sang Israel, trong khi đó Thái Lan và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào cá ngừ vằn và cá ngừ đóng hộp (mã HS160414).
Trong năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 5 loại cá ngừ sang Israel: Cá ngừ vây vàng (HS030232), Cá ngừ vây dài (HS030341), Cá ngừ vây vàng (HS030342), Cá ngừ đại dương giống Thunnus, cá ngừ vằn hoặc cá ngừ sọc dưa (HS030487) và Cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn và cá ngừ sọc đưa đóng hộp kín khí (HS160414). Hai mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là cá ngừ vằn hoặc cá ngừ sọc dưa (HS030487) và Cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn và cá ngừ sọc dưa đóng hộp kín khí (HS160414) với kim ngạch lần lượt là 9 triệu và 6,2 triệu USD. Trong khi đó, Thái Lan và Trung Quốc chỉ tập trung xuất khẩu mặt hàng Cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn và cá ngừ sọc đưa đóng hộp kín khí mã HS160414.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, cá ngừ là một trong những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel. Tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu còn khá lớn, điều cần thiết là doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ hấp, sấy khô, đóng hộp các sản phẩm cá ngừ, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mã HS4160414.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam