Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản ( Vasep) cho biết, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính trong đầu năm 2017 tiếp tục xu hướng giảm. Các doanh nghiệp đang chuyển hướng xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường mới nổi như Nhật Bản và Israel.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 34 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến hết tháng 1-2017, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35,8% tổng giá trị XK, đạt 12,2 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiếp tục xu hướng của năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm nay giảm 8,4% so với tháng 1/2016, đạt 7,1 triệu USD. Hiện EU chỉ chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 1/2017.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ sang ba thị trường Nhật Bản, Israel và ASEAN trong tháng đầu năm 2017 đã có sự thay đổi so với năm 2016. Trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Israel và Nhật Bản tăng mạnh, xuất khẩu sang ASEAN giảm.
Vasep cho biết, Israel với tốc độ tăng 87,6% so với cùng kỳ năm 2016, đã vươn lên vị trí thứ 3 trong tốp tám thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm 11% tổng giá trị xuất khẩu. Còn Nhật Bản, xuất khẩu cá ngừ sang đây trong tháng 1 tăng đột biến 113% so với cùng kỳ.
Trong tháng này, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Thái Lan, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất trong khối ASEAN - chiếm 62% tổng giá trị nhập khẩu của khối, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã khiến tổng NK cá ngừ của ASEAN từ Việt Nam giảm 54%, chỉ đạt 1,9 triệu USD.
Điều này cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường chính như EU và Mỹ đang bão hòa, các DN Việt Nam đã dần chuyển hướng sang các thị trường mới nổi, đầy tiềm năng, như Trung Đông hay các nước Bắc Phi, để bù đắp được phần nào lượng giá trị sụt giảm tại các thị trường chính.
Theo Tùng Anh
Trí thức trẻ