Bộ Công Thương vừa công bố danh sách các thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo của Việt Nam cập nhật đến ngày 23-3-2021. Trong danh sách này, cả nước có 207 doanh nghiệp được cấp phép, tăng 15 doanh nghiệp so với thời điểm hồi tháng 7-2020.
Trong đó, nhiều thương nhân chỉ còn thời hạn đến giữa năm 2021 như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang, Công ty cổ phần Du lịch An Giang (thời hạn đến tháng 5-2021), Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến (Long An), Công ty cổ phần Xây lắp - Cơ khí và Lương thực Thực Phẩm (Long An), Công ty TNHH Chấn Thành, Công ty cổ phần Toàn Cầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (An Giang)… có thời hạn đến tháng 6-2021.
Cũng theo danh sách này, một số địa phương dù có diện tích sản xuất lúa lớn nhưng chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo như Trà Vinh (1 doanh nghiệp), Bạc Liêu (2 doanh nghiệp)…
Cần Thơ là địa phương tập trung nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất cả nước với 44 đơn vị được cấp phép, tiếp theo đó là TPHCM với 38 doanh nghiệp, Long An có 25 doanh nghiệp, An Giang có 21 doanh nghiệp và Long An có 19 doanh nghiệp.
Về tình hình xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, 15 ngày đầu tháng 3-2021, Việt Nam xuất khẩu đạt 203.320 tấn, trị giá hơn 111,3 triệu đô la Mỹ.
Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15-3 đạt 858.605 tấn, trị giá khoảng 470,3 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu gạo đã giảm hơn 33,7% về lượng nhưng tăng gần 21,8% về giá trị.
Gạo được xuất kho tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh.
Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana... Cụ thể, trong tháng 2, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines đạt gần 169.900 tấn, trị giá gần 91,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 48,8% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tiếp đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 57.849 tấn, trị giá hơn 30,1 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 16,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Ghana cũng là một thị trường nhập khẩu lượng lớn gạo Việt Nam với 39.341 tấn trong hai tháng đầu năm 2021, đạt trị giá gần 23,2 triệu đô la Mỹ.
Về giá chào bán gạo, cập nhật ngày 23-3 vừa qua, gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán ở mức giá 518 đô la Mỹ/tấn, tăng so với mức giá từ 513 - 517 đô la Mỹ/tấn trong tuần trước.
Mức giá này cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan, đang ở mức 503 đô la Mỹ/tấn, cũng như gạo Pakistan, đang ở mức 438 đô la Mỹ/tấn.
Cũng theo VFA, từ nay đến cuối tháng 3-2021, một số thị trường mở đấu thầu mua thêm gạo như Hàn Quốc, Bangladesh… Đây cũng là những thị trường lớn của gạo Việt Nam nên các thương nhân đủ điều kiện có thể tham gia gởi hồ sơ dự thầu.
Cụ thể, trên trang web của Tổng Công ty Thương mại Nông sản và Thực phẩm Hàn Quốc (KAFTC), nước này tổ chức đấu thầu để mua 208.217 tấn gạo. Các đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến các cảng được chỉ định trong khoảng thời gian từ 1-5 đến 31-10-2021. Buổi đấu thầu sẽ được tổ chức vào ngày 26-3-2021 và hạn chót nộp hồ sơ dự thầu là 3h00 chiều (giờ Hàn Quốc, tức GMT+9) ngày 25-3-2021.
Còn tại thị trường Bangladesh, theo thông báo của Tổng cục Lương thực Bangladesh, Chính phủ nước này sẽ tổ chức một cuộc đấu thầu gạo mới để nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ bất kể xuất xứ. Doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải giao hàng đến cảng chỉ định (60% lô hàng sẽ được giao tại cảng Chattogram và 40% tại cảng Mongla) trong vòng 40 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Đây là lần đấu thầu gạo thứ 12 trong năm tài chính 2020-2021. Hạn chót nộp hồ sơ dự thầu vào lúc 1:00 chiều (giờ Bangladesh, tức GMT+6) ngày 28-3-2021. Buổi đấu thầu sẽ diễn ra vào lúc 2h30 chiều cùng ngày.
Trong khi đó, Indonesia - một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, năm nay có kế hoạch gia tăng sản xuất và thu mua gạo trong nước để duy trì nguồn hàng dự trữ thay vì nhập khẩu từ nước ngoài như trước đây.
Theo đó, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) được phép nhập khẩu một triệu tấn gạo, nhưng sẽ không nhập khẩu ngay lập tức vì thời kỳ thu hoạch lúa vụ chính của Indonesia sắp bắt đầu. Thay vào đó, Bulog đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp để thu mua thóc và gạo sản xuất nội địa trên khắp cả nước.