Hiện tại, giá cá tra và tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại sau thời gian giảm mạnh khiến người nuôi phấn khởi.
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, dù giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày đầu tháng 2.2016 đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 nhưng sang tháng 3 đã có dấu hiệu tăng trở lại do nhu cầu thu mua của các nhà máy tăng, trong khi nguồn cung lại không còn nhiều.
Vào đầu tháng 3, mặt bằng cá tra xuất khẩu chỉ mới ở mức 20.500 đồng/kg thì đến giữa tháng 3, giá cá được đẩy lên 21.500 đồng/kg.
Đồng thời, thị trường cá giống cũng “nóng” không kém do nhu cầu tăng vọt. Giá cá giống tăng từ 20.000 đồng/kg lên 34.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần đầu tháng 3, cá tra nguyên liệu tại các tỉnh miền Tây tăng liên tiếp 3.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại sau thời gian giảm giá mạnh.
Cụ thể, cá tra thịt trắng giá 22.000 - 22.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước và tăng hơn 4.000 đồng so với tháng 1.
Trước việc cá tra tăng giá, VASEP khuyến cáo người nuôi cá không vội mừng vì cá tra phục hồi do thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng này của Việt Nam là Mỹ, các nước châu Âu và Trung Quốc chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ngoài ra, do giá thức ăn chăn nuôi giảm khoảng 700 - 800 đồng/kg so với năm ngoái nên người nuôi có lãi, tuy nhiên cần phải thả theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt khi giá lên.
Mặc dù giá cá tra tăng, thế nhưng sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do diện tích nuôi bị thu hẹp dần, người nuôi bị lỗ.
Sản lượng thu hoạch cá tra 3 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 189.875 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ. Một số tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn như Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang thì sản lượng 3 tháng đầu năm nay cũng giảm đáng kể. Theo đó, Vĩnh Long là 19.670 tấn (giảm 10%), Đồng Tháp 44.000 tấn (giảm 33%), An Giang 47.085 tấn (giảm 16%).
Ngoài cá tra, trong tháng 3, giá tôm cũng tăng mạnh khiến người nuôi phấn khởi.
Tại Sóc Trăng, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg từ 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg. Tăng mạnh nhất là tôm thẻ cỡ 40 con/kg từ 145.000 đồng/kg tăng lên 161.000 đồng/kg. Tôm thẻ các loại khác tăng bình quân 10.000 đồng/kg.
Đối với tôm sú, ngoại trừ loại tôm cỡ 50 - 60 con/kg giá bình ổn 115.000 – 125.000 đồng/kg, còn lại tôm sú các loại khác đều giảm giá mạnh từ 10.000 – 45.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm lớn nhỏ.
Giá tôm nguyên liệu có xu hướng ổn định ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu rất yếu do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến việc thả nuôi của nông dân.
Bộ NN&PTNT nói rằng, hiện tại, các hộ nuôi cơ bản thu hoạch xong vụ đông, đang tu bổ đê, kè chuẩn bị việc thả giống cho vụ xuân hè năm 2016.
Nhiều diện tích nuôi đã cải tạo, chuẩn bị ao hồ xong nhưng tình hình thời tiết thay đổi bất thường, không khí lạnh đột ngột ở miền Bắc, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ở miền Nam đã làm chậm tiến độ thả nuôi so với năm 2015.
Chưa kể, môi trường ao nuôi biến động làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, gây bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng không chỉ gây khó khăn cho người nuôi tôm mà còn ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến.
Theo báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm sú 3 tháng đầu năm 2016 đạt 34.958 tấn (tăng 1%). Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 18.980 tấn (giảm 2%).
Phan Diệu / motthegioi.vn