Trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 22 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, hứa hẹn bước đột phá mới.
Thời của các dự án tỷ USD
Ba ngày trước, tối 25/7, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã chính thức ký kết hợp đồng thực hiện Dự án Khu phức hợp thông minh (Eco-Smart City) tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20.100 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD).
Khu Thủ Thiêm sắp đón dự án tỷ USD của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Ảnh: Đức Thanh |
Như vậy, kế hoạch xây thành phố thông minh ở TP.HCM của Lotte đã sắp trở thành hiện thực. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý III/2017 và hoàn thành sau 72 tháng xây dựng. “Lotte đã ký quỹ, đóng tiền sử dụng đất trị giá 2.000 tỷ đồng. Tập đoàn rất nghiêm túc và quyết tâm đầu tư dự án này”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã cho biết.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công chỉ trong vòng vài tháng nữa, nên có thể hiểu, dự án này sẽ sớm được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu vậy, Eco-Smart City sẽ kéo dài thêm danh sách các dự án tỷ USD do các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.
Tháng trước, đã có 2 dự án tỷ USD nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD, của nhà đầu tư Nhật Bản và Dự án Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD, của nhà đầu tư Singapore.
Trước đó nữa, Dự án Samsung Display tại Bắc Ninh đã được tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD, còn Dự án Đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư 1,27 tỷ USD của nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam triển khai, cũng đã chính thức có được cái gật đầu của các cơ quan chức năng.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, đã có tới 4 dự án tỷ USD vào Việt Nam.
Sẽ là không ngoa khi nói rằng, thời của các dự án tỷ USD đang quay trở lại, nhất là khi nhiều thông tin cho biết, con số sẽ không chỉ là 4 dự án. Dự án Eco-Smart City của Lotte là một ví dụ điển hình.
Tính đến ngày 20/7/2017, cả nước có 1.378 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 12,92 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2016; có 677 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,87 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2016 và 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung, từ đầu năm tới nay, cả nước thu hút được 21,93 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 52% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn giải ngân ước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. |
Chưa kể, thông tin từ tháng 6/2017, Tập đoàn BRG cũng đã tuyên bố “kết hôn” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) để triển khai siêu dự án đô thị 4 tỷ USD ở Hà Nội.
Và mới đây nhất, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát Dự án Liên hợp Thép Formosa, chủ đầu tư Dự án đã báo cáo rằng, tới cuối năm, Dự án dự kiến tăng vốn đầu tư lên 11,6 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, từ mức đầu tư hiện tại 10,6 tỷ USD, Formosa sẽ phải dốc thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa vào dự án này.
Dự án tỷ USD dồn dập vào Việt Nam và điều này hứa hẹn bước đột phá mới trong thu hút FDI của Việt Nam.
Cẩn trọng để không phải trả giá
Dự án tỷ USD không ngừng vào Việt Nam là điều đáng mừng, chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam so với các nước xung quanh. Song, khi dự án tỷ USD vào nhiều, thì nỗi quan ngại của dư luận cũng tăng thêm.
Dễ hiểu, bởi đã từng có thời điểm, như năm 2008, rất nhiều dự án tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư, song không ít trong số đó là “ảo” và kết quả cuối cùng, nhiều dự án đã “đứt gánh giữa đường”, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Câu chuyện không thể để bị lặp lại nữa, cần sớm thúc đẩy các dự án tỷ USD nhanh chóng triển khai, đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Thực ra, điều đáng mừng là thời gian gần đây, phần lớn các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư đều nhanh chóng được triển khai. Ví dụ Dự án Samsung Display, hiện trên công trường nhà máy, khu vực dự án mở rộng vẫn đang tích cực được triển khai.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các dự án tỷ USD nói trên, không khó để nhận ra, dù đã được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng với 2 dự án nhiệt điện BOT, không thể “nói là làm được ngay”. Thực tế triển khai các dự án điện BOT ở Việt Nam đã cho thấy điều đó.
Chuyện triển khai một dự án lớn, lại trong lĩnh vực năng lượng là không hề đơn giản. Tuy nhiên, ở đây cũng cần quan tâm một vấn đề nữa là, cả hai dự án điện được cấp chứng nhận đầu tư mới đây đều là nhiệt điện than. Trong bối cảnh nhiều cảnh báo liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường do các dự án nhiệt điện than, thì không thể không cẩn trọng trong kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án, đặc biệt là công nghệ, để tránh những hệ lụy đáng tiếc cho nền kinh tế.
Cũng cần phải nhắc lại câu chuyện của một dự án tỷ USD khác - Formosa. Thị sát dự án này mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự hài lòng khi đến nay, Formosa đã khắc khục được 52/53 lỗi vi phạm. Riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành hệ thống dập cốc khô số 1 trước ngày 31/3/2018, hệ thống dập cốc khô số 2 trước ngày 36/6/2019, theo đúng cam kết.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh rằng, tinh thần là không an toàn, không sản xuất và nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy.
“Thái độ của chúng ta rất rõ ràng, không bao che, dung túng cho những sai trái, đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải nghiêm túc bảo vệ môi trường sống cho nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Quan điểm này của người đứng đầu Chính phủ rõ ràng là cần được quán triệt đối với các dự án tỷ USD khác nói riêng, tất cả các dự án đầu tư khác nói chung, để nền kinh tế không phải bị trả giá.
Nguyên Đức / baodautu