Việc phải tiếp tục duy trì hoạt động trong khi gần như không có doanh thu khiến các hãng hàng không nội địa đối mặt với bài toán dòng tiền bị thâm hụt nghiêm trọng. Do đó, để cầm cự các hãng này đã cấp tập tung ra nhiều gói kích cầu để nhanh chóng có nguồn thu trong ngắn hạn.
Các hãng hàng không phải tung chiêu bán vé tháng để kích cầu tìm nguồn thu trong ngắn hạn. Ảnh minh họa: Cục Hàng không
Hàng không khao khát được bay
Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin đến các hãng hàng không trong nước yêu cầu chỉ được mở bán các chuyến bay cho giai đoạn từ 16-4 đã được cấp phép.
Việc ra văn bản này của Cục Hàng không xuất phát từ việc một số hãng hàng không như Vietjet Air, Bamboo Airways đã đăng tải thông tin về việc khai thác bình thường trở lại các đường bay nội địa từ 16-4, sau khi hết thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong bối cảnh lượng khách di chuyển hàng không tại Việt Nam chỉ còn 1-2% so với trước dịch Covid-19. Động thái của Vietjet Air và Bamboo Airways cho thấy các hãng hàng không rất sốt sắng mở lại đường bay sau 2 tuần gần như dừng hoạt động toàn bộ các đường bay trong nước và quốc tế.
Thậm chí, để kích cầu cho hành khách, cả hai hãng hàng không trên tung ra gói bay không giới hạn các chặng bay nội địa của Việt Nam trong vòng 6 tháng đến 1 năm với mức giá rất rẻ, chỉ từ 9 đến 17 triệu đồng.
Cụ thể, Vietjet Air vừa cho phép hành khách đặt mua thẻ bay không giới hạn số chuyến. Khách bay khi mua thẻ từ hãng sẽ được miễn phí 100% giá vé gốc, miễn phí 15kg hành lý ký gửi, 7kg hành lý xách tay và không giới hạn số lần bay trên tất cả chuyến bay nội địa của hãng trong suốt thời hạn hiệu lực của thẻ.
Tuy nhiên, hành khách vẫn sẽ phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí và dịch vụ mua thêm nếu có nhu cầu. Hiện hãng bay đang đưa ra 2 mức thẻ với giá gần 9 triệu đồng, bay không giới hạn tới 30-9 và mức gần 17 triệu đồng, bay không giới hạn tới ngày 31-3-2021.
Tương tự, Bamboo Airways cũng nhanh chóng ra mắt thẻ bay không giới hạn số chuyến với giá 9,8 triệu đồng. Hành khách sở hữu thẻ được miễn phí 100% giá vé gốc trên các đường bay nội địa của Bamboo Airways từ thời điểm mua thẻ tới ngày 28-10-2020.
Hãng cũng tặng thêm ưu đãi miễn phí 20 kg hành lý ký gửi, 7 kg hành lý xách tay cho chủ thẻ nếu đặt mua trước ngày 5-5. Giống như thẻ bay của Vietjet Air, hành khách vẫn sẽ phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí.
Hai hãng hàng không nội địa còn lại là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines chưa đưa ra thông tin về thẻ bay tương tự.
Hình thức bán vé theo dạng trọn gói này từng được nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng để đẩy mạnh doanh thu ngắn hạn, bù đắp vào sự thiếu hụt dòng tiền trong những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ với hính thức này khi mức giá các hãng đưa ra vẫn chưa bao gồm thuế, phí liên quan.
Dòng tiền thâm hụt nghiêm trọng
Từ ngày 1-4, chỉ vài đường bay nội địa được hoạt động với số chuyến bay hạn chế mỗi ngày do Cục hàng không Việt Nam phân bổ. Hầu hết đội tàu bay của các hãng hàng không nội địa đang phải đậu lại tại các cảng hàng không. Riêng Vietnam Airlines cho biết gần 100 máy bay của hãng phải dừng hoạt động.
Việc dừng bay khiến các hãng gần như không có doanh thu trong khi các chi phí hoạt động, chi phí thuê tàu bay vẫn phải thanh toán khiến các hãng hàng không đối mặt với "cơn khát" dòng tiền trầm trọng.
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi đến Chính phủ cho biết, trong số các tổng công ty mà đơn vị này đang quản lý thì Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong đó, hãng này báo lỗ khoảng 20.000 tỉ đồng và dòng tiền bị thâm hụt khoảng 15.000 -17.000 tỉ đồng, cần nhà nước "ứng cứu" ngay 12.000 tỉ đồng trong tháng 4 này để đảm bảo tính thanh khoản.
Cuối năm 2019, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20-3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng.
Trước những áp lực về tài chính nêu trên, Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng. Mới đây, doanh nghiệp này đã phải bán bớt 5 chiếc máy bay trong đội bay và thoái vốn khỏi hãng bay Cambodia Angkor Air để xoay sở với tình hình hiện tại.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã đề xuất hàng loạt các giải pháp như giãn nộp thuế, khoanh nợ, miễn, giảm thuế, phí. Các bộ cũng ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số biện pháp mang tính bảo hộ có nguy cơ đi ngược lại với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường với nền tảng cạnh tranh công bằng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng nếu Cục Hàng không có những biện pháp để hỗ trợ cho VNA là đi ngược với tinh thần của pháp luật trong việc xóa bỏ phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Động thái này của Bộ GTVT và Cục Hàng không có nguy cơ vi phạm nhiều luật như: Luật Hàng không dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Trong khi đó, với tình hình chung của các hãng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng hầu hết không có dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh. Bộ này cũng đề nghị Chính phủ các bộ ngành khác xem xét kiến nghị của các hãng hàng không về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.
Các hãng hàng không trong nước cũng cần hỗ trợ giảm giá các loại chi phí dịch vụ mặt đất như chi phí cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, chi phí đậu, đỗ máy bay...
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1-3-2020 đến 31-12-2020.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay các hãng hàng không đang gặp khó khăn chưa từng có, nhiều hãng đối mặt với nguy cơ phá sản do dòng tiền gần như không còn vì dịch Covid-19.
Nhiều hãng bay quốc tế cũng "vật lộn" với dòng tiền Tình hình dịch bênh kéo dài và bùng phát toàn cầu cũng tác động không nhỏ đến các hãng hàng không quốc tế. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đang nỗ lực tìm biện pháp để cải thiện dòng tiền. Từ Lufthansa (Đức), Emirates (UAE) đến Singapore Airlines đều đang xúc tiến các khoản vay hàng tỉ đô la Mỹ, cầm cự trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có điểm dừng. Tại Châu Á, AirAsia là hãng hàng không hiếm hoi tuyên bố không cắt giảm nhân sự nhưng giảm lương từ 15 – 75% tùy từng vị trí. Để có thể duy trì đội ngũ khổng lồ trong bối cảnh không có nguồn thu, AirAsia cần một lượng tiền khổng lồ. Trên website của hãng, ông Tony Fernandes, CEO của AirAsia kêu gọi hành khách đã đặt vé nhưng không thể bay do lệnh phong tỏa trên nhiều quốc gia đừng yêu cầu hoàn tiền. Thay vào đó, các hành khách có thể thay đổi ngày bay không giới hạn số lần trong vòng 1 năm tới. |