Vừa qua, Quảng Nam đã ban hành danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2015-2010, trong đó, một số lĩnh vực được ưu tiên thu hút bao gồm: Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, nông lâm thuỷ sản, vật liệu xây dựng; đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, hạ tầng khu- cụm công nghiệp; du lịch, dịch vụ, đô thị; đào tạo nguồn nhân lực; lĩnh vực nông nghiệp ...
Công nghiệp hỗ trợ
Đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong phát triển công nghiệp của Việt Nam và Quảng Nam, trong đó chú trọng các ngành:
CNHT ngành cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy. Địa điểm đầu tư: Khu KTM Chu Lai đã được phép hình thành Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô tập trung quy mô lớn với nhiều chính sách ưu đãi đặc thù, là địa điểm thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo, ô tô và xe máy.
Khu phức hợp cơ khí ô tô Trường Hải
CNHT ngành dệt may, da giày. Địa điểm đầu tư: Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, các cụm công nghiệp tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phú Ninh,...
CNHT ngành điện - điện tử. Địa điểm đầu tư: KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Khu KTM Chu Lai và các khu công nghiệp khác.
Công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, nông lâm thuỷ sản, vật liệu xây dựng
Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và nguồn nông sản dồi dào, đa dạng về chủng loại, là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, dệt may, chế biến các sản phẩm nông lâm thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sâu khoáng sản...
Khu công nghiệp Tam Thăng- thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai là nơi thuận lợi để đầu tư lĩnh vực dệt may, công nghiệp phụ trợ
Tài nguyên khoáng sản: vàng, thiết, titan và đặc biệt có trữ lượng cát silic rất lớn, chất lượng đảm bảo sản xuất các sản phẩm kính xây dựng, thuỷ tinh,...Tài nguyên rừng: rất nhiều loại gỗ quý và dược liệu. Tài nguyên biển: ngư trường rộng lớn với nhiều loại hải sản phong phú, trữ lượng cá 42 vạn tấn, khả năng đánh bắt cá hằng năm 20 vạn tấn, trữ lượng mực 7.000 tấn, tôm biển 4.000 tấn. Nguồn nông sản dồi dào, đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loại nổi tiếng thế giới như Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Tiêu Tiên Phước,...
Địa điểm đầu tư: Khu KTM Chu Lai, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, hạ tầng khu- cụm công nghiệp
Các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước được khuyến khích thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn theo danh mục sau: KCN Phú Xuân - huyện Phú Ninh (quy mô 365 ha);KCN cơ khí đa dụng và ô tô tập dung - Khu KTM Chu Lai (quy mô 3.500 ha). KCN Tam Thăng - Khu KTM Chu Lai (quy mô 300 ha); CCC Đại Hiệp, Đại Tân, Đại Đồng - huyện Đại Lộc (quy mô 600 ha); CCN Tây An- huyện Duy Xuyên (quy mô 30 ha); CCN Đông Phú - huyện Quế Sơn (quy mô 44 ha); CCN Quế Cường - huyện Quế Sơn (quy mô 48 ha); CCN Hà Lam Chợ Được - huyện Thăng Bình (quy mô 83 ha); CCN Bình Hoà Bình Giang - huyện Thăng Bình (quy mô 50 ha); Các KCN, CCN đều nằm trên các trục giao thông chính như quốc lộ 1A, quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ nên rất thuận lợi về giao thông.
Đầu tư vào lĩnh vực này, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao nhất về đơn giá thuê đất, được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định và được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ một phần chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị
Với 125km bờ biển và sông Cổ Cò chạy dọc ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An, sông Trường Giang chạy từ Hội An đến Chu Lai, hồ Phú Ninh là một trong những công trình đại thủy nông lớn nhất miền Trung, Quảng Nam hội tụ nhiều điều kiện rất thuận lợi để nhà đầu tư có thể đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, ven biển. Trong danh mục ưu tiên thu hút đầu tư, khu vực này có một số dự án ưu tiên thu hút đầu tư mang tính trọng điểm như Khu du lịch giải trí đặc biệt xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (quy mô 500ha, tổng vốn khoảng 750 triệu USD); dự án Khu thương mại tự do kết hợp cảng du lịch quốc tế Chu Lai (quy mô 1.000 ha, tổng vốn 500 triệu USD); dự án Khu đô thị - du lịch sinh thái ven sông Cổ Cò huyện Điện Bàn (suất 1,5 triệu USD/ha)
Hồ Phú Ninh, địa điểm được Quảng Nam kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng (Ảnh: internet)
Đối với vùng rừng núi Quảng Nam, đây là khu vực có nhiều di tích lịch sử như đường Trường Sơn, các căn cứ cách mạng, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng nguyên sinh, có nhiều dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử ...Một số dự án được ưu tiên thu hút đầu tư tại đây gồm: Du lịch sinh thái, mạo hiểm Hòn Kẽm, Đá Dừng ở huyện Nông Sơn (quy mô 30ha, tổng vốn 100 tỷ đồng); dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dã ngoại, thể thao phía Tây Bà Nà ở huyện Đông Giang (quy mô 100ha, tổng vốn 50 triệu USD)…
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể tiến hành đầu tư các khách sạn, nhà hàng, siêu thị mini tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, nghỉ ngơi và giải trí của dân cư, công nhân các khu công nghiệp…Và được hưởng các ưu đãi khá cởi mở theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam.
Đào tạo nguồn nhân lực
Với chủ trương tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, Quảng Nam có chính sách thu hút dự án đầu tư xây dựng các trường dạy nghề để cung ứng lao động quản lý và công nhân kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp, chế biến: điện – điện tử - điện dân dụng – điện lạnh; cơ khí chế tạo; quản trị nhà hàng, khách sạn; nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng...
Địa điểm đầu tư: huyện Núi Thành, huyện Điện Bàn, thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An...
Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư: nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lĩnh vực nông nghiệp
Bao gồm trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm.
Với diện tích tự nhiên hơn 10.438 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 70% tổng diện tích, đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Nam tập trung phát triển ngành nông nghiệp. Đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp có kỹ thuật tiên tiến như: Trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả; Lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; Lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) ngành công nghiệp.
Trồng và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh là một trong những hướng đi mới của Quảng Nam (Ảnh: Internet)
Một số dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2015-2020 bao gồm: Dự án Trung tâm nghiên cứu, kiểm định và sản xuất giống thủy sản chất lượng cao ở huyện Thăng Bình, quy mô 20ha; dự án Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và sản xuất tinh dầu, dược liệu từ nguồn thảo dược sẳn có như quế Trà My, sâm Ngọc Linh, Trầm hương, Ba Kích…ở các huyện Các huyện miền núi: Tiên Phước, Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Nông Sơn...; dự án Trang trại nuôi cá nước ngọt đạt chuẩn Viet GAP (quy mô 2000 ha) tại hồ thủy sông Tranh, Bắc Trà My và các huyện miền núi…
Ngọc Tân / baodautu