Việc hạ lãi suất huy động lần này được xem là cách có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt vào dịp cuối năm. Và cũng dễ nhìn thấy là việc hạ lãi suất lần này chỉ tập trung ở các ngân hàng có thị phần và tình trạng thanh khoản tốt.
Một số ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất huy động trong những ngày vừa qua khi mà chỉ còn chưa gần 2 tháng nữa là đến ngày Tết nguyên đán, trong đó phải kể đến là ngân hàng BIDV, Agribank hạ từ 0,1% - 0,3%/năm ở các kỳ hạn khác nhau. Còn NHTMCP khác hạ lãi suất huy động ở mức thấp hơn, ở mức khoảng 0,1%/năm như ở ngân hàng Sacombank, Bản Việt… Ở chiều ngược lại, cũng có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài từ 0,2 – 0,8%/năm như tại ngân hàng VIB, PVcomBank.
Vậy đâu là nguyên nhân của việc hạ lãi suất ở một vài ngân hàng và lại tăng ở các ngân hàng còn lại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Liệu đây có phải là xu hướng giảm lãi suất huy động đến cuối năm hay không? Áp lực của việc hạ lãi suất này xuất phát từ đâu? Điều này có ảnh hưởng đến lãi suất cho vay cuối năm không?
Đi ngược với thông lệ hàng năm
Việc một số NHTM giảm lãi suất huy động từ 0,1 – 0,3%/năm không chỉ diễn ra trong những ngày gần đây mà đã xuất hiện thỉnh thoảng một số đợt trong năm nay với biên độ rộng hơn từ 0,2 – 0,5%/năm. Tuy nhiên, đợt giảm lãi suất lần này có tạo một chút ngạc nhiên trên thị trường vì theo thông lệ hàng năm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều tăng vào dịp cuối năm ở nhiều biên độ khác nhau.
Động thái trên xuất hiện tại một số ngân hàng chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động và cho vay một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, việc hạ lãi suất huy động lần này được xem là cách có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt vào dịp cuối năm. Và cũng dễ nhìn thấy là việc hạ lãi suất lần này chỉ tập trung ở các ngân hàng có thị phần và tình trạng thanh khoản tốt.
Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các NHTM nêu trên tiếp tục là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 về tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
5 áp lực của việc hạ lãi suất huy động?
Tuy có nhiều lý do để các NHTM giảm lãi suất huy động, nhưng việc giảm lãi suất lần này khó có khả năng để trở thành xu hướng chung cho hệ thống ngân hàng đến cuối năm, do mặt bằng lãi suất thị trường đang chịu 5 áp lực sau đây:
Từ phía tỷ giá USD/VNĐ
Thị trường ngoại tệ đã có những diễn biến đáng chú ý trong hai tuần gần đây khi mà tỷ giá trung tâm liên tiếp được NHNN điều chỉnh tăng. Tỷ giá USD/VNĐ đã tăng liên tiếp trong những ngày vừa qua theo diễn biến đi lên của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Hiện chỉ số USD Index đã vượt mốc 100 (ở mức cao nhất là gần 102 vào ngày 25/11/2016) và đang xoay quanh vùng cao nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.
So với việc mất giá của các đồng tiền trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam, sự mất giá của VNĐ vẫn còn khá khiêm tốn, đưa đến kỳ vọng tỷ giá có thể tiếp tục điều chỉnh lên cao hơn nữa. Điều này có thể kích thích tâm lý đầu tư lẫn đầu cơ đô la Mỹ.
Tỷ giá USD/VNĐ không chỉ tăng trên thị trường tự do ở mức trưa ngày 05/12/2016 là 3,3%, các NHTM cũng tăng tỷ giá lên mức gần 2% so với cuối năm 2015. Với kỳ vọng tăng tỷ giá này, sự dịch chuyển tiền gửi từ tiền VNĐ sang đô la Mỹ có thể tiếp tục diễn ra, từ đó có thể gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng tại các ngân hàng. Khi đó, các NHTM có thể phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng đủ mức hấp dẫn để chặn đứng làn sóng này lại.
Lạm phát mục tiêu
Quan sát mức tăng của tỷ lệ lạm phát trong những tháng gần đây, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại mạnh mẽ và có khả năng sẽ vượt mức mục tiêu 5% của NHNN do áp lực tăng của các hàng hóa cơ bản điển hình là xăng dầu và các dịch vụ công như giáo dục và y tế. Lạm phát của 11 tháng năm 2016 đã đạt mức tăng 4,5% so với cuối năm 2015.
Xu hướng tăng lên của lạm phát sẽ khiến NHNN thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ và do đó xu hướng hạ lãi suất trong những lần gần đây, đặc biệt là kể từ khi có Chỉ thị 04 của NHNN nhiều khả năng sẽ dừng lại.
Thanh khoản đang dần bớt dư thừa trên thị trường liên ngân hàng
Theo biểu lãi suất giao dịch thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố ngày 1/12/2016, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm là 2,77% và kỳ hạn 1 tuần là 3,25% (2 kỳ hạn này chiếm gần 80% giao dịch trên thị trường này), trong khi cách đây 1 tháng lãi suất của 2 kỳ hạn này đều dưới 1%/năm. Điều đó chứng tỏ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng lên gần 2%/năm ở các kỳ hạn từ 1 tuần trở xuống, trong khi đó kỳ hạn 6 tháng cũng đã tăng lên 5,12%/năm.
Việc tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn trên thị trường 2 chứng tỏ là thanh khoản trên thị trường này đã trở nên không còn dồi dào như trước và NHNN cũng hạn chế việc cung tiền thông qua kênh tín phiếu NHNN. Từ đó, tình trạng thanh khoản trên thị trường 2 sẽ ít có khả năng hỗ trợ tốt cho thị trường 1 khi mà thanh khoản trên thị trường này sẽ trở nên căng thẳng hơn vào 2 tháng cuối năm nay.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Đến cuối tháng 11/2016, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tăng gần 14,7% so với cuối năm 2015. Điều đó có nghĩa là cả hệ thống phải phấn đấu tăng thêm từ 3,3% đến 5,3% để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là từ 18 – 20%/năm.
Việc tăng này là không hề dễ dàng vì theo thông lệ hàng năm thì mức tăng trưởng tín dụng của các tháng cuối năm chỉ khoảng 2%/tháng. Nhưng nếu các ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu này thì nhiều khả năng sẽ làm cho tình trạng thanh khoản trở nên căng thẳng và khi mà sự hỗ trợ từ thị trường 2 ít đi sẽ càng khiến cho lãi suất huy động trên thị trường 1 bị đẩy lên từ đó gây áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay.
Áp lực từ thị trường kinh tế tài chính trên thế giới
Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) dự kiến sẽ công bố mức lãi suất cơ bản vào kỳ họp giữa tháng 12 cuối năm nay. Hầu hết các dự báo đều cho rằng FED sẽ tăng lãi suất lên 0,5 – 0,75%/năm, phần lớn đều dựa vào dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ được phục hồi tích cực dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Từ đó, việc tăng lãi suất này sẽ khiến cho sức mạnh của đồng USD ngày càng tăng và sẽ tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá USD/VNĐ và từ đó càng làm cho lãi suất thị trường tại Việt Nam tăng lên.
Ngoài ra, áp lực lên lãi suất của VNĐ còn phải kể đến từ sự bất ổn của nền kinh tế Châu Âu sau sự kiện Thủ tướng Ý từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp của Quốc gia này; cũng như nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm nhiều năm qua.
Do đó, chính vì 5 áp lực này càng làm cho việc hạ lãi suất huy động ở một vài ngân hàng trong những ngày vừa qua khó trở nên là xu hướng chung của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam đến cuối năm nay. Tuy vậy, nhiều khó khăn cho việc hạ lãi suất huy động cũng khó cản trở các ngân hàng trong việc hạ hoặc tiếp tục duy trì ổn định lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm nay. Bởi vì, lãi suất huy động chỉ là 1 yếu tố cấu thành nên chi phí trong việc xác định lãi suất cho vay.
Các ngân hàng hoàn toàn có thể bù trừ với việc tăng lãi suất huy động thông qua việc tiếp tục cắt giảm chi phí kinh doanh, kiểm soát hiệu quả tỷ lệ nợ xấu, quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng hiệu quả hơn nữa, nổ lực duy trì thị phần…
TS. Bùi Quang Tín
Theo Trí thức trẻ