Không chỉ doanh nghiệp không thích lãi suất cao, ngay cả ngân hàng cũng không thích điều này.
Tại hội nghị Kết nối doanh nghiệp - ngân hàng được Sở công thương và Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB cho biết, không có ngân hàng nào thích lãi suất cao, vì lãi suất cao chỉ làm khó khách hàng, gia tăng áp lực nợ xấu cho ngân hàng.
“Lãi suất cao là một rủi ro rất lớn đối với ngân hàng. Ngân hàng không hưởng lợi từ lãi suất cao. Vì thực tế, ngân hàng phải huy động vào với lãi suất cao nên mới cho vay ra cao. Ngoài ra, lãi suất cao còn làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp dẫn đến phá sản và không trả được nợ ngân hàng. Nợ xấu luôn là nỗi ám ảnh của ngành ngân hàng. Trong 30 năm làm ngân hàng, điều tôi sợ nhất là nợ xấu và từ tôi không muốn nhắc đến nhất là nợ xấu. Ngân hàng luôn luôn muốn được sống trong môi trường lãi suất thấp”, ông Tùng chia sẻ.
Thực tế, ý thức rất rõ ràng về rủi ro chất lượng tài sản sẽ bị ảnh hưởng khi lãi suất cao, các nhà băng đã có nhiều biện pháp chủ động hạ nhiệt lãi suất huy động ngay từ đầu năm. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất vay mới, miễn giảm lãi vay với dư nợ hiện hữu đã được đưa ra cho các khách hàng.
Nối tiếp những nỗ lực của các ngân hàng thương mại, từ 15/3 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Động thái này đang được các nhà bằng đón nhận rất tích cực.
Chẳng hạn, tại Đại hội Cổ đông thường niên của VIB hôm 15/3, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng - ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, hành động hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một động thái rất tốt để thị trường Việt Nam được đi vào phục hồi. Lãi suất huy động cũng như cho vay thời gian tới sẽ tiếp tục được giảm xuống. NIM của ngân hàng sẽ giảm song nhìn chung vẫn ổn định.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhận định, với động thái mới từ NHNN, lãi suất sẽ sớm giảm trong thời gian tới. “Đây là chỉ dấu rất rõ ràng cho thị trường rằng NHTW muốn lãi suất hạ tiếp xuống và chúng ta có thể kỳ vọng hết tháng này và sang quý sau lãi suất sẽ hạ nhiệt”, ông Hưng nói thêm.
Ở góc nhìn của các chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho biết, động thái giảm lãi suất điều hành vừa qua của NHNN trước mắt sẽ giúp giảm lãi suất cho vay ngắn hạn. Điều này cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, hạ bớt gánh nặng chi phí tài chính.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ, đối với các lĩnh vực ưu tiên, phạm vi ảnh hưởng có thể chưa nhiều. Trong tương lai, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm, tác động sẽ tích cực đối với tất cả các bên vay. Đồng thời, doanh nghiệp có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Hiện tại, giới phân tích đang kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay vẫn sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới. Chất lượng tài sản của các ngân hàng theo đó sẽ giảm bớt những áp lực.