Nhờ nâng cao khả năng thích ứng trước những tác động bất lợi của thị trường, nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vẫn có mức tăng ấn tượng tại nhiều thị trường lớn.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải… của Việt Nam ước đạt trên 14,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dệt may, thủy sản trụ vững tại Mỹ, EU
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải… của Việt Nam ước đạt trên 14,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu dệt may ước đạt gần 12 tỷ USD, tăng khá so với mức 10,56 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020.
Trong kết quả xuất khẩu dệt may 5 tháng đầu năm 2021, ấn tượng hơn cả là con số xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 5 tháng qua. Nhờ đó, hàng dệt may Việt Nam duy trì được vị thế xuất khẩu lớn thứ hai tại thị trường này với thị phần 11,8%.
Thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 5 tháng đầu năm nay, với mức tăng 12%, đạt 3,24 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường EU, Nhật Bản, Anh, Australia, Canada, Nga, Hàn Quốc… đều tăng trưởng 2 chữ số.
Trong khi đó, da giày - ngành hàng đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 20 tỷ USD trong năm 2021 - đã mang về 8,9 tỷ USD sau 5 tháng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, khó khăn về thị trường còn nhiều do dịch bệnh còn phức tạp tại các thị trường chủ lực, nhưng nhờ uy tín của doanh nghiệp sau nhiều năm cung ứng, các đơn hàng vẫn đến Việt Nam. “Hiện các doanh nghiệp lớn đều có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III, thậm chí cả năm”, bà Xuân nói.
Xoay xở ứng biến
Từ cuối tháng 4 đến nay, đặc biệt là những ngày cuối tháng 5, các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương - nơi có nhiều khu công nghiệp với các ngành như điện tử, máy tính, dệt may - đang phải oằn mình chống dịch. Vì vậy, đại diện Vitas lo ngại, ảnh hưởng tới xuất khẩu sẽ thấy rõ trong tháng 6 và 7.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng rất lo lắng. Hiện các doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới quý III/2021, nếu do dịch bệnh mà sản xuất đình trệ, không thực hiện được đúng hạn hợp đồng, thì doanh nghiệp sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà họ từng rất khó khăn mới tạo dựng được.
Với ngành thủy sản, các dự báo có phần tươi sáng hơn. Đến ngày 20/5/2021, tất cả 50 bang của nước Mỹ đã mở cửa trở lại ở các mức độ khác nhau, nhiều siêu thị lớn của các hãng bán lẻ không còn hạn chế khách hàng, du lịch và bãi biển mở cửa đón khách… Đây là tín hiệu về sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Mỹ từ nay đến cuối năm.
Theo Vasep, việc triển khai tiêm vắc-xin chống dịch và gói kích thích kinh tế đã thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong quý I/2021. Do vậy, các đơn hàng thủy sản gia tăng không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ, mà cả ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhà hàng, khách sạn. Dự báo nhập khẩu thủy sản của Mỹ năm 2021 tăng 6% về khối lượng, đạt 2,9 triệu tấn và tăng 9% về giá trị, đạt 23,3 tỷ USD. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu như Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.
Với ngành da giày, sau khi bị sụt giảm 2 tỷ USD trong năm 2020, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, xuất khẩu của ngành này đang dần phục hồi, đơn hàng dồi dào. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác về Việt Nam vẫn đang tiếp diễn…