Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 82,24 tỷ USD, chỉ tăng 5,9%, là mức tăng thấp so với mục tiêu tăng trưởng 10% của năm 2016. Những ngành hàng xuất khẩu chủ lực từ dệt may, da giày, nông lâm thủy sản dẫu có tăng, nhưng chưa ngành nào tăng quá 7%.
Bài toán mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thêm khách hàng mới trong thời gian tới đang là sức ép với nhiều ngành, cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 đầu năm chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 6%. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi đạt 1,3 tỷ USD, hàng dệt may đạt 10,6 tỷ USD, vải mành và vải kỹ thuật đạt 0,2 tỷ USD.
Cùng thời điểm này năm trước, phần lớn các doanh nghiệp đều không phải lo về đơn hàng, nhưng nay thì khác, nhu cầu nhập khẩu từ EU, Nhật Bản sụt giảm đã tác động mạnh đến lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, công tác tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới cũng rất gian nan và chưa dễ cho kết quả ngay trong năm.
Tổng CTCP Dệt May Hà Nội (Hanosimex), cung cấp vải sợi và đồ dệt kim xuất khẩu cho biết, Công ty đã chào giá và gửi mẫu các loai sản phẩm để tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Đức, Pakistan, Nhật Bản… nhưng chưa giao dịch nào thành công do vướng về giá, dù Công ty đã đưa ra giá chào thấp nhất.
Năng lực xuất khẩu sợi tăng lên, trong khi tìm khách hàng mới lại khó, cộng với giá xuất khẩu giảm, nhiều cái khó đang bó chân các doanh nghiệp sợi, khiến hiệu quả kinh doanh thấp.
Nửa đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách đạt 6,3 tỷ USD, trong đó, da giày 5 tỷ USD, tăng 6,2% và túi xách các loại đạt 1,3 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Nguyễn Trí Toàn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu CTCP giày Phúc Yên thừa nhận, xuất khẩu da giày đang bị chia sẻ đơn hàng vớicác nước được ưu đãi về thuế như Campuchia, Indonesia. “Xuất khẩu 6 tháng cuối năm thực sự chật vật, bởi ngoài đơn hàng giảm thì xu hướng khách hàng ký hợp đồng thời hạn ngắn hơn, để tìm kiếm các mối có giá rẻ hơn, vì thế, Công ty dự kiến xuất khẩu năm nay chỉ bằng với năm 2015”, ông Toàn nói.
Xi măng và clinker những năm gần đây, tuy có đóng góp một phần cho xuất khẩu, nhưng giá trị xuất khẩu cũng đang bị sụt giảm. Nếu 2014 đạt 860 triệu USD thì đến 2015 chỉ còn hơn 650 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu xi măng dù tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 8,85 triệu tấn, nhưng về giá trị thì chỉ đạt khoảng 325 triệu USD, không tăng do giá xuất khẩu giảm.
Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), giá xuất khẩu xi măng trong 2 tháng gần đây ở mức 46,5 USD/tấn, giá clinker xuất khẩu ở mức 30 USD/tấn.
Tình trạng xuất khẩu tăng khiêm tốn cũng là thực tế của ngành nông sản, thủy sản. 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu tăng 6%, đạt hơn 15 tỷ USD.
Đánh giá về xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh cả cung trong nước và cầu nước ngoài cùng giảm sút, giá xuất khẩu duy trì ở mức thấp thì tăng trưởng xuất khẩu 5,9% là khá.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, một số thị trường khu vực có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm hoặc chỉ đạt mức tương đương năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,6%, Indonesia xuất giảm 13,6%, Ấn Độ xuất giảm 8%).
Nhìn vào kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016, nhiều ngành hàng chủ lực đều có áp lực về hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm. Theo tính toán của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong xu hướng cầu giảm, các nhà nhập khẩu sẽ tìm đến các nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí, vì vậy, kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành trong năm nay khó đạt 31 tỷ USD như đã đề ra từ đầu năm.
Thế Hải / baodautu.vn