Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) vừa công bố báo cáo khảo sát nhu cầu nhu cầu tuyển dụng cũng như về những thách thức của nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.
Ký kết chương trình đào tạo nghề song hành
Theo đó, 96% DN Đức tham dự cuộc khảo sát có dự định tuyển dụng nhân có những lo ngại về chất lượng lao động cũng như tốc độ tăng lương ngày càng nhanh của Việt Nam. Nhận định chung là nguồn lao động trẻ Việt Nam còn thiếu kỹ năng thực tế và kinh nghiệm trong công việc. 33% DN Đức cho rằng thị trường lao động Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu tuyển lao động lành nghề của họ. Ngoài ra, các nhà đầu tư Đức cũng gặp khó khăn trong việc tuyển thực tập viên, không chỉ bởi các lý do mang tính chủ quan mà còn bởi vì họ không tìm được các ứng cử viên với chuyên ngành phù hợp.
Giải pháp được hơn 88% DN Đức đồng thuận cho việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đó là đào tạo nghề song hành - chương trình đào tạo của Đức kết hợp giữa học lý thuyết tại các trường cao đẳng dạy nghề tại Việt Nam và thực hành với các máy móc thiết bị hiện đại tại các nhà máy của các DN Đức.
Không chỉ các nhà đầu tư Đức, mà các đối tác, các nhà phân phối trong và ngoài nước cũng đều chọn lựa giải pháp đào tạo nghề song hành là giải pháp cấp thiết bởi đó là một chương trình có tính thực tế và tính ứng dụng cao, giúp cho học viên có thể bắt tay vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Các khóa đào tạo thường kéo dài trong khoảng 6 tháng. Các ngành nghề đào tạo song hành được các nhà đầu tư Đức quan tâm là vận tải kho bãi, IT, kỹ năng bán hàng, các ngành nghề kỹ thuật được ưu chuộng là ngành luyện kim và chế biến kim loại cũng như ngành thủ công.
Được biết trong thời gian qua GIC/AHK Việt Nam luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư Đức tại Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình đào tạo nghề song hành theo của mô hình và tiêu chuẩn của Đức. Ngoài ra, thông qua cổng thông tin trực tuyến JobXchange cũng như qua ngày hội việc làm TalentBIZ - tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, GIC/AHK Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo dựng được cầu nối giữa DN Đức tại Việt Nam và các ứng cử viên Việt Nam tiềm năng và có triển vọng.
Cụ thể vào đầu tháng 6/2016 vừa qua GIC/AHK Việt Nam, Công ty Bosch Việt Nam và Trường Cao đẳng nghề LILAMA2 đã ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo ngành Cơ điện tử. Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) sẽ đưa các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề song hành hỗ trợ Trường cao đẳng nghề LILAMA2 nâng cao năng lực trong đào tạo. Máy móc và thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình đào tạo sẽ được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức (KfW) tài trợ. Chương trình đào tạo sẽ có sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức nhằm áp dụng những tiêu chuẩn của Đức và trong việc cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn của Hiệp Hội các Phòng Công nghiệp và Thương Mại tại Đức (DIHK). Học viên sẽ được đào tạo trong khoảng thời gian 3,5 năm, sau khi tốt nghiệp học viên sẽ được Trường cao đẳng nghề LILAMA2 cấp chứng chỉ Việt Nam và một chứng chỉ Đức cấp bởi Hiệp Hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại.