Thời điểm Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa trở thành công xưởng thế giới thông qua một loạt các hiệp định thương mại cũng trùng khớp với thời điểm dòng vốn đầu tư quốc tế ồ ạt rút khỏi Trung Quốc và một số thị trường lớn khác như Ấn Độ hay Brazil, và đang chọn một điểm đến mới.
Năm 2016, năm được đánh giá là bản lề quan trọng nhất trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển của đất nước, đã bắt đầu. 2016 sẽ là năm mà hàng loạt các hiệp định kinh tế và thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia sẽ cùng có tác dụng, tạo nên một làn sóng quy mô và mạnh mẽ nhất chưa từng có tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Viễn kiến về một Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới đang được dần định hình từ những biến động lớn này, vốn là kịch bản và là con đường đã đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới. Ở thời điểm hiện tại, trở thành công xưởng thế giới được xem là một lộ trình gần như bắt buộc với mọi quốc gia đang phát triển. Và việc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa để thực hiện mục tiêu này được xem là một bước tiến quan trọng. Nhưng, để phát huy tối đa hiệu quả của bước đi quan trọng này, thì điều cần thiết với Việt Nam là phải có một tầm nhìn xa hơn thế.
Với những quốc gia đang phát triển trên thế giới, kịch bản phát triển đất nước và nền kinh tế gần như đã được định hình theo một công thức chuẩn trong khoảng gần 50 năm trở lại đây. Nó gồm 3 bước đi căn bản: mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế bằng cách sản xuất hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu dựa trên nhân công giá rẻ, phát triển nền kinh tế hiện đại và công nghệ cao. Hầu hết các quốc gia đang phát triển trên thế giới đều đi theo lộ trình này.
Trong đó những quốc gia lớn và thành công nhất như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil đang ở cuối giai đoạn thứ hai, giai đoạn mà nền kinh tế các quốc gia này đóng vai trò công xưởng của thế giới, tăng trưởng kinh tế bằng cách gia tăng sản xuất và xuất khẩu dựa trên nhân công giá rẻ. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề lớn nhất của các nền kinh tế lớn mới nổi này là chuyển mô hình phát triển dựa trên sản xuất và nhân công giá rẻ sang nền kinh tế công nghệ cao và hiện đại.
Chính vì thế, việc Việt Nam đang được thế giới đánh giá là đứng trước ngưỡng cửa trở thành một công xưởng mới của thế giới có thể được xem là một bước tiến lớn. Nó cho thấy Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn thứ hai trong lộ trình ba giai đoạn phát triển của một nền kinh tế mới nổi. Đáng chú ý hơn là Việt Nam đang sở hữu khá nhiều điều kiện có lợi trước thời điểm bước vào giai đoạn phát triển thứ hai này: các ưu thế cần thiết của một công xưởng thế giới về sản xuất, và dòng luân chuyển vốn đầu tư trên thế giới.
Ở thời điểm hiện tại Việt Nam gần như hội tụ đủ mọi điều kiện nội tại để trở thành một công xưởng thế giới, từ quy mô dân số, lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công rẻ đang trong giai đoạn độ tuổi vàng, một thị trường hơn 90 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người 2.100 USD. Việt Nam cũng đang có một số lượng hiệp định thương mại tự do khá lớn với hầu hết với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạo điều kiện dễ dàng cho việc hàng hóa xâm nhập vào các thị trường này.
Ưu thế thứ hai là dòng luân chuyển vốn đầu tư. Thời điểm Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa trở thành công xưởng thế giới thông qua một loạt các hiệp định thương mại cũng trùng khớp với thời điểm dòng vốn đầu tư quốc tế ồ ạt rút khỏi Trung Quốc và một số thị trường lớn khác như Ấn Độ hay Brazil, và đang chọn một điểm đến mới.
Những dấu hiệu về sự hội tụ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2015 cũng bắt đầu xuất hiện, khi mức vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay đạt mức kỷ lục 22,76 tỷ USD, và năm 2016 được dự báo con số này sẽ còn lớn hơn nữa. Với những lợi thế lớn như vậy, không khó để đoán Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một công xưởng thế giới mới thực thụ và có mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể lên tới mức hai con số trong khoảng 4, 5 năm tới.
Tuy nhiên, một bài học rút ra từ Trung Quốc – nơi đã đóng vai trò công xưởng của thế giới trước Việt Nam – là không nên quá phấn khích với vai trò mới này, và nhất là cần phải có một tầm nhìn xa hơn. Một cái bẫy phổ biến mà hầu hết các quốc gia khi trải qua giai đoạn công xưởng của thế giới đều mắc phải, đó là quá phấn khích với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao của giai đoạn này.
Trong suốt hai mươi năm, người Trung Quốc đắm chìm vào tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm; điều tương tự cũng diễn ra ở Brazil. Hầu hết tất cả các quốc gia đều quên mất rằng giai đoạn công xưởng thế giới về cơ bản vẫn là bước chuyển tiếp để chuyển sang nền kinh tế tri thức công nghệ cao, và thiếu đi sự chuẩn bị cho sự chuyển tiếp ấy trong giai đoạn giữ vai trò công xưởng thế giới.
Có thể thấy điều này rất rõ nét ở các quốc gia đã từng giữ vai trò này như Trung Quốc hay Brazil, hay thậm chí là cả Ấn Độ. Hầu hết các quốc gia này đều đã đến cuối giai đoạn công xưởng thế giới, nhưng cánh cửa để chuyển tiếp sang nền kinh tế công nghệ thì dường như vẫn bị đóng chặt. Trung Quốc đã là nền kinh tế số hai thế giới, nhưng họ còn cách nền kinh tế tri thức và công nghệ một ngưỡng rất xa. Chỉ có duy nhất một quốc gia đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa sang nền kinh tế tri thức, đó là Singapore.
Dĩ nhiên quy mô nhỏ của quốc đảo này cũng khiến cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế dễ dàng hơn, nhưng kinh nghiệm đi trước của Singapore vẫn là một bài học quý giá cho các nước đi sau. Trung Quốc, Ấn Độ đã không bỏ qua bài học này; nhưng Việt Nam thì cần tham khảo kỹ nếu như muốn tránh sai lầm của hai nền kinh tế đã từng là công xưởng của thế giới kia.
Cốt lõi trong kinh nghiệm chuyển đổi của Singapore gồm 3 vấn đề mấu chốt: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, và thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ. Một nền kinh tế tri thức công nghệ cao chỉ xuất hiện tại những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Hầu hết các nước đang phát triển đều gặp vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, ở Trung Quốc tính đến năm 2010 chỉ có 24% lực lượng lao động là đã học qua phổ thông, ở Việt Nam chỉ có khoảng 20% trong số 60 triệu lao động là đã được đào tạo dù phần lớn đã tốt nghiệp phổ thông.
Hai yếu tố còn lại là chuyển giao công nghệ và thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thì tình hình có vẻ như còn tệ hơn. Đặc biệt là trong vấn đề chuyển giao công nghệ. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay có khoảng 254 hợp đồng chuyển giao công nghệ (217 hợp đồng trong số đó là của khối FDI), nhưng vấn đề là chỉ chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con ở Việt Nam, chứ chưa có hợp đồng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang cho doanh nghiệp trong nước.
Thực tế các doanh nghiệp FDI đều tránh né việc chuyển giao công nghệ, có thì chỉ chuyển các công nghệ cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp. Yếu tố thứ ba là đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam cũng không khá hơn, khi hầu hết các dây chuyền công nghệ các doanh nghiệp trong nước đều là mua từ nước ngoài. Tỷ lệ nhập khẩu công nghệ trên tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cũng chỉ khoảng 10%, so với mức 40 – 50% của các nước khác.
Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ vẫn có tốc độ tăng trưởng cao dù cho bỏ qua ba yếu tố mấu chốt này. Như trường hợp Trung Quốc đã chỉ ra, nước này vẫn có tốc độ tăng trưởng hai con số trong hàng chục năm. Nhưng cái giá phải trả là sụp vào cái bẫy tăng trưởng, không thể đột phá để trở thành nền kinh tế tri thức sau khi giai đoạn công xưởng thế giới kết thúc.
Theo ước tính, giai đoạn công xưởng thế giới thường chỉ diễn ra trong khoảng trung bình hơn 20 năm, và sẽ kết thúc sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia đang phát triển sẽ có khoảng 20 năm để đặt nền tảng cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn giữ vai trò công xưởng thế giới. Việt Nam đang đứng trước cơ hội tránh được việc lặp lại sai lầm từ các quốc gia đã từng là công xưởng thế giới trước đó, nếu như chúng ta tỉnh táo và có một tầm nhìn dài hạn hơn.
(Theo Một Thế Giới)