Năm 2008, trong báo cáo nghiên cứu “Lựa chọn thành công: những bài học của Đông Á và Đông Nam Á, và tương lai của Việt Nam”, David Dapice và nhóm các nhà kinh tế Đại học Harvard đã cảm nhận được quá trình ra các quyết định chính sách ở Việt Nam có một thuộc tính là hầu như không có các cuộc tranh luận phê bình và xây dựng.
Họ đã nhấn mạnh rằng, các chính sách có hiệu quả chỉ hình thành từ các cuộc thảo luận thấu đáo, có lý và có phân tích căn cơ.
Chính phủ và các doanh nghiệp FDI cần có những phương thức đối thoại chính sách đa dạng. Ảnh minh họa Thành Hoa.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có một vị trí quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam. Họ, như là đối tác phát triển, đối thoại như thế nào với Chính phủ và đã có những đóng góp gì về các chính sách?
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Chỉ Mỹ và châu Âu góp ý nhiều
Năm 2012 là năm cuối cùng mà các nhà tài trợ tổ chức Hội nghị tư vấn (Consultative Group Meeting) thường niên, mà khi đó, Chính phủ duy trì cơ chế đối thoại với các nhà tài trợ. Đây cũng là cơ chế đối thoại với doanh nghiệp FDI, thông qua đại diện là các phòng thương mại của họ.
Đã bảy năm nay, cơ chế thảo luận này không còn nữa và thế vào đó là VBF - Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức. Tính đến năm 2017, VBF đã tồn tại 20 năm.
Nhìn lại các thảo luận ở VBF, những tiếng nói phê bình và xây dựng không phải tập trung ở các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI lớn, như Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore. Những phòng thương mại đưa ra nhiều ý kiến là từ các nước châu Mỹ và châu Âu.
Một ý kiến mạnh mẽ được nêu trong báo cáo năm 2017 của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), trong đó nhận xét “Dù là hệ quả của tham nhũng, bảo hộ, áp lực về nguồn thu từ thuế hay do Chính phủ muốn can thiệp chọn người thắng, kẻ thua thì các thành viên của chúng tôi vẫn thường thấy những lĩnh vực mà ở đó sự thiếu nhất quán, kém hiệu quả, đối xử không công bằng đang tồn tại dai dẳng, và trong một số trường hợp còn tiếp tục phát sinh những cách làm thiếu công bằng mới”.
Họ nhận thấy “nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đang ngày càng trở nên tốn kém, phức tạp hơn cần thiết” và khuyến nghị “giải quyết nhiều vấn đề rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại, chủ yếu tại các cửa khẩu, cũng như những rào cản sau biên giới đang hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và kìm hãm luồng nhập khẩu vào Việt Nam”.
Họ cũng “quan ngại trước những thay đổi mới đây trong chính sách, quy định một cách thiếu phù hợp với các thông lệ tối ưu quốc tế và có thể nói là một bước lùi của Việt Nam. Những sửa đổi này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đứng trước những nguy cơ, rào cản mới khi thực hiện đầu tư”.
EuroCham, tổ chức đại diện các doanh nghiệp FDI châu Âu, quan tâm đặc biệt tới vấn đề chống tham nhũng. Báo cáo năm 2017 của EuroCham tại VBF có nêu: “Thống kê cho thấy khoảng 70% doanh nghiệp tự nguyện đưa hối lộ để “bôi trơn” công việc của họ. 30% còn lại là trường hợp các quan chức chính phủ đưa ra gợi ý ngầm về hối lộ, bao gồm cả sự trì hoãn về thủ tục, không có hướng dẫn rõ ràng”.
Họ ghi nhận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đã được chuẩn bị với những thay đổi quan trọng bao gồm phòng, chống tham nhũng và kiểm soát ngay cả trong các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ cho rằng “dự thảo sẽ không có tác động hiệu quả” và “nên tập trung giải quyết các vấn đề thực tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt - những thách thức do chính quyền tạo ra”.
Nhật Bản là một ví dụ ít gặp về các nước Đông Á, nơi có nhiều đầu tư nhất vào Việt Nam, có ý kiến mang tính phê bình xây dựng (constructive criticism). Về thủ tục hành chính, năm 2017, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản có đưa ra nhận định “thực tế hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) rất không hài lòng về việc thực thi và áp dụng pháp luật tại Việt Nam”.
Họ dẫn ra các ví dụ cụ thể để quan ngại “với hệ thống hành chính không minh bạch, không rõ ràng như vậy sẽ dẫn đến kết quả gây tổn thất lớn đến sự hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư và các nhà đầu tư sẽ tránh đầu tư vào Việt Nam để chuyển sang các nước khác”.
Liệu có phải do những đồng cảnh về văn hóa mà các quốc gia có đầu tư FDI lớn nhất lại có ít tiếng nói xây dựng về những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam cũng biết và đang giải quyết, ví dụ vấn đề chống tham nhũng và cải cách hành chính? Ngược lại, các nước có truyền thống “nói thẳng” từ Âu Mỹ có ý kiến, nhưng họ lại là những nước có ít đầu tư? Hoàn cảnh này có vẻ hạn chế đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào chính sách, có thể vì diễn đàn là một nơi mà đối thoại có thể có nhiều tính “ngoại giao”?
Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh như một đối thoại
Có một kênh đối thoại khác giữa các doanh nghiệp FDI và Chính phủ, đó là cuộc điều tra Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Báo cáo PCI dành cả một chương để đề cập đến các phát hiện từ các doanh nghiệp khối này.
Năm 2018, báo cáo nhận xét các doanh nghiệp FDI chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, định hướng xuất khẩu, và là một “nhà thầu phụ” trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của các công ty đa quốc gia. Đứng đầu là các nhà đầu tư châu Á với Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan dẫn đầu nhóm.
Báo cáo này cũng ghi nhận sự tự tin của các doanh nghiệp FDI với môi trường cạnh tranh do những nỗ lực của các nhà lập chính sách. Chi phí cho gánh nặng hành chính có giảm nhẹ, nhất là việc giảm mạnh các cuộc thanh tra chồng chéo: số công ty báo cáo về gánh nặng thanh tra (có trên tám vụ một năm) giảm từ 3,4% xuống còn 1,4%; tỷ lệ các công ty cho là có việc vin vào cớ thủ tục để kiếm hối lộ giảm từ 44,6% trong năm 2017 xuống 36,5% trong năm 2018.
Tương ứng, năm 2017 có 44,9% người tham gia điều tra nói họ phải trả “phí không chính thức” cho thanh tra viên nhưng năm 2018 giảm còn 39,9%. Hối lộ về thủ tục đất đai giảm mạnh hơn, từ 17,5% ở năm trước xuống 6,8% trong năm 2018.
Có những ý kiến “phê bình xây dựng” khá dai dẳng nhưng được kiên trì nhắc lại. Ví dụ, các doanh nghiệp FDI cho rằng chất lượng lao động trong nhiều năm không có gì thay đổi. Họ không than phiền về lao động phổ thông, nhưng có nhiều khó khăn khi tuyển lao động có kỹ năng như kế toán, các nhà quản lý, hay kỹ thuật viên. Chi phí của doanh nghiệp cho đào tạo nội bộ và do mất nhân lực là điều nhiều doanh nghiệp lo ngại.
Như vậy, PCI là một kênh đối thoại gián tiếp của các doanh nghiệp FDI với Chính phủ. Kênh này nhiều khi có tác động trực tiếp với chính quyền các tỉnh, do họ đặc biệt muốn thu hút FDI về địa phương để giải quyết các vấn đề kinh tế ở tỉnh mình, tạo thêm công ăn việc làm và nguồn thu cho địa phương.
Đánh giá môi trường đầu tư: một tiếng nói độc lập
Việc Moody’s Investors’ Service đánh giá mức tín nhiệm của Việt Nam là Ba3 và có triển vọng tiêu cực(1) cho thấy một tiếng nói đánh giá có tín nhiệm và độc lập có thể tác động mạnh mẽ với Chính phủ. Đánh giá của họ có thể làm ảnh hưởng lớn đến khả năng huy động vốn của quốc gia và các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam và qua đó ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của Việt Nam. Để được các tổ chức dạng Moody’s xếp hạng tốt, Chính phủ buộc phải có những điều chỉnh chính sách kinh tế phù hợp cả về tài chính quốc gia và cả các chính sách với doanh nghiệp.
Có thể chú ý tới ba rủi ro mà Moody phân tích để đi đến kết luận triển vọng tiêu cực cho Việt Nam là: a) rủi ro môi trường, liên quan tới nước biển dâng, lụt lội nghiêm trọng và các cú sốc về thời tiết ảnh hưởng tới dân số nông nghiệp, cũng như tác động, ví dụ về ô nhiễm, do tăng trưởng nóng ngành công nghiệp; b) rủi ro xã hội liên quan tới già hóa lực lượng lao động có ảnh hưởng trung hạn tới “hồ sơ kinh tế và tài chính” quốc gia; và c) rủi ro về quản trị liên quan tới việc phối hợp yếu giữa “những cánh tay của chính phủ”, cải cách các doanh nghiệp nhà nước bị trì trệ cũng như những “mong manh” ở khu vực ngân hàng.
Có thể thấy, khi tham gia quá trình toàn cầu hóa, Chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty xuyên quốc gia có những phương thức đối thoại chính sách đa dạng, trong đó có những cách thức mà Chính phủ có thể chủ động.
Ngược lại các doanh nghiệp quốc tế cũng có thể có những tiếng nói chủ động, gián tiếp và có cả những kênh độc lập mà ý kiến của họ có thể có tác động mạnh mẽ tới chính sách của Chính phủ. Chủ động lắng nghe những tiếng nói từ nhiều kênh, tạo điều kiện để nghe được những lời ngay thẳng và xây dựng cũng như chủ động có những đối sách thì dễ tránh hơn các cú sốc khi Việt Nam không phải là một nền kinh tế “đóng cửa”.
Theo Đặng Ngọc Quang (TBKTSG)