Đây là những cái tên gia nhập cuối cùng trong cuộc đua lãi suất gây xôn xao suốt thời gian qua. Thậm chí đã có đơn vị niêm yết kịch trần cạnh tranh với các ngân hàng nhỏ top dưới.
Ảnh minh họa.
Cách đây chừng một tháng, thị trường đã đón nhận những màn rượt đuổi của các ngân hàng khi họ cạnh tranh quyết liệt để thu hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư bao gồm việc áp lãi suất các kỳ hạn dài vượt mức 8%/năm và chạy đua lãi suất ở các kỳ hạn ngắn lên tới kịch trần. Khi đó, những ông lớn ngân hàng như VietinBank , Vietcombank và BIDV vẫn nằm ngoài "cuộc chơi".
Tuy nhiên đến thời điểm này, khi cuộc đua giữa các ngân hàng top dưới trở nên trầm lắng hơn thì các ngân hàng quốc doanh lại bắt đầu nhập cuộc, thậm chí cũng đã niêm yết kịch trần lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, Vietcombank tăng lãi suất huy động 0,2% đối với kỳ hạn 2 tháng lên 4,8%, kỳ hạn 3 tháng lên 5% và 6 tháng lên 5,4%. Không những vậy ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại Vietcombank đều tăng lên mức 6,5%. Trước đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này là 6%, từ 24-60 tháng là 6,2%.
Tương tự với BIDV. Trước đây lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng tại BIDV dao động từ 4,8-5,2%, thấp hơn 0,3 -0,4% so với các ngân hàng nhỏ khác. Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 19/3, BIDV đã tăng lãi suất huy động khoảng 0,3%, trong đó kỳ hạn 3 tháng tăng lên 5,5%, kỳ hạn 6-9 tháng lên 5,8%, kỳ hạn 12-18 tháng lên 6,8%, còn lại lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6,8% lên 7%, kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,8% lên 7,2%.
VietinBank đã tăng mạnh nhất lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng tăng từ 6% lên 6,8%. Một số các kỳ hạn khác có mức tăng 0,3% như kỳ hạn 3-6 tháng lên 5,5%, 6-9 tháng lên 5,8%, kỳ hạn 24-36 tháng tăng lên 6,8%. Riêng kỳ hạn 9-12 tháng tăng 0,2% lên 5,8%, kỳ hạn dài nhất trên 36 tháng vẫn giữ nguyên lãi suất 7%.
Trong khi đó tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, có một vài ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động. Ví dụ như VPBank, ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn áp dụng từ ngày 15/03, trong đó kỳ hạn 1-4 tháng tháng giảm 0,4-0,5% xuống 4,7-5%, các kỳ hạn còn lại đều giảm 0,1% so với biểu lãi suất cũ áp dụng từ ngày 02/02 xuống mức 6,1-7,2%.
Kết quả khảo sát cho thấy, chênh lệch giữa lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần và các ngân hàng có vốn nhà nước đã được thu hẹp đáng kể từ mức 1,5-1,8%/năm xuống còn 0,8-1% ở các kỳ hạn dài.
Trong thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng cũng đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Với hai tuần tăng liên tiếp, lãi suất liên ngân hàng hiện tại đã gần bằng giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên Đán.
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), dự thảo sửa đổi Thông tư 36 được ban hành gần đây, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống 40% đã gây lo ngại về khả năng lãi suất huy động sẽ bước vào cuộc đua mới, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng đang trong giai đoạn chuẩn bị nguồn vốn để tích cực giải ngân cho các hợp đồng tín dụng sắp tới, dẫn tới nguồn vốn cho vay liên ngân hàng có xu hướng dần bị thu hẹp.
(Theo Tri Thức Trẻ)