Theo các chuyên gia, để hạ giá nhà đất cần bàn tay can thiệp của Nhà nước bằng sắc thuế, minh bạch thông tin và thúc đẩy nguồn cung.
Khảo sát của VnExpress, suốt 4 quý trong năm 2020, giá nhà đất liên tục tăng cao trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Từ quý đầu năm, giá nhà chung cư ở huyện ngoại thành TP HCM như Bình Chánh leo lên ngưỡng 40 triệu đồng mỗi m2, lập mặt bằng giá mới cao nhất so với các huyện vùng ven Sài Gòn.
Đến quý cuối năm, giá căn hộ một lần nữa chứng kiến hiện tượng tăng kỷ lục ở quận 9, Thủ Đức, thuộc TP Thủ Đức với ngưỡng giá 60-90 triệu đồng mỗi m2. Nhà một tỷ đồng cũng đã biến mất khỏi thị trường trong năm qua.
Trong khi đó, giá đất và nhà liền thổ cũng leo thang ở cả khu Đông lẫn khu Nam TP HCM trong suốt năm qua. Có những quý giá nhà phố, biệt thự xây sẵn chào bán với mức giá bình quân tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến trên làm dấy lên quan ngại về hiện tượng tăng giá bất thường năm 2020 sẽ gây ra nhiều tác động khó lường cho năm 2021 và cả những năm sau đó. Theo các chuyên gia, có ít nhất 4 gói giải pháp khả thi chặn được đà tăng giá nhà đất, nhưng để làm được cần đến bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Đánh thuế chống đầu cơ
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, muốn bình ổn và kéo giá nhà đất xuống, cần có sự phối hợp của chính sách thuế hợp lý. Để làm được điều này, cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước trong việc đánh thuế đầu cơ bất động sản. Ví dụ, quy định thời gian nắm giữ đất trong một ngưỡng giới hạn nhất định, nếu không xây dựng trong thời gian này sẽ bị đánh thuế.
Việc đánh thuế này nên lũy tiến theo năm, cứ sau 2 năm "ôm" đất không làm gì sẽ bị đánh thuế nặng. Mức đánh thuế lũy tiến tăng dần đến năm thứ ba, thứ tư thì đối tượng đầu cơ không còn ôm đất nỗi nữa vì lúc này thuế quá cao. Việc nghiên cứu và áp dụng chính sách thuế hợp lý là công cụ hữu hiệu ngăn chặn đối tượng đầu tư đẩy giá nhà đất lên cao.
Thị trường nhà ở TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.
Minh bạch thông tin
Ông Thiên cũng cho rằng để kéo giảm giá nhà đất cần phải minh bạch thông tin từ mọi phía tham gia thị trường bất động sản, từ Nhà nước, cơ quan quản lý, nhà quy hoạch đến các nhà phát triển dự án (doanh nghiệp). Trong bối cảnh thông tin được minh bạch, người mua nhà đất có thể tiếp cận bất động sản nhanh chóng, rõ ràng, hạn chế được việc nhiễu thông tin hay thiếu thông tin, đồng thời tránh tình trạng nhiễu loạn thị trường thổi giá nhà đất.
Tương tự, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng khẳng định, việc minh bạch và kiểm soát thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá nhà đất. Tuy nhiên, ông Võ khuyến nghị để đạt được mục tiêu minh bạch thông tin, Nhà nước cần có hệ thống dữ liệu cập nhật thông tin về thị trường bất động sản xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Tăng cung để tránh đội giá nhà đất
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, giá nhà đất chỉ giảm khi xảy ra khủng hoảng thừa nguồn cung hoặc làm cho rổ hàng trên thị trường dồi dào. Nhiều năm qua, các vướng mắc pháp lý ảnh hưởng đến sự suy giảm nguồn cung nhà ở tại TP HCM là một trong những nguyên nhân trực tiếp đẩy giá nhà tăng mất kiểm soát. Đây là nút thắt rất lớn của thị trường trong 2 năm gần đây, nếu có chính sách khơi thông nguồn cung, tháo gỡ những vướng mắc pháp lý sẽ phần nào hạ nhiệt được đà tăng giá nhà đất.
Theo bà Hương, Nhà nước có thể can thiệp để thay đổi thực trạng này bằng việc nhanh chóng giải quyết vướng mắc pháp lý cho các dự án nhà ở, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quy trình cấp phép dự án để giải phóng tình trang bế tắc hiện nay.
Song song đó, theo bà, Nhà nước cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ phát triển để bổ sung vào phân khúc nhà giá thấp đang dần biến mất khỏi thị trường. "Chỉ cần tăng mạnh nguồn cung nhà ở, chắc chắn giá nhà đất sẽ bình ổn và hạ nhiệt", bà Hương nói.
Có chính sách hỗ trợ căn nhà đầu tiên
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam cho rằng, Nhà nước cũng có thể kìm cương giá bất động sản nếu thực hiện chính sách nhà ở dành cho người mua căn nhà đầu tiên. Chẳng hạn như quy hoạch khu vực, quỹ đất cụ thể để phát triển loại hình nhà ở cho đối tượng người mua lần đầu kèm theo chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý, giá bán bình dân.
Chính sách này nếu được áp dụng sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở thiết thực cho nhóm an cư, giảm áp lực thiếu hụt trên thị trường và cân đối lại cán cân cung cầu theo hướng bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời gian chờ đợi Nhà nước hành động bằng cách ban hành các chính sách và thúc đẩy chính sách đi vào thực tiễn, người dân cần phải chủ động tích lũy dần nguồn tài chính để chuẩn bị cho chốn an cư.
Lần đầu tiên mua nhà hãy chấp nhận nơi ở cách xa khu trung tâm với giá vừa túi tiền và sau đó khi thu nhập tăng dần lên, tài chính tốt hơn, có thể tiến dần về trung tâm. "Trong khi chờ cơ chế chính sách và chương trình nhà ở của Chính phủ, người mua nhà cần phải chủ động xác định chiến lược hợp lý để mua được nhà ổn định cuộc sống", ông Lâm khuyến nghị.