Thủ tướng vừa tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân vào phục vụ phát triển kinh tế.
Nguy cơ chảy máu ngoại tệ, lãng phí vàng
Vấn đề huy động vàng, ngoại tệ trong dân lại một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong phiên họp Chính phủ tháng 5/2017. Đây là lần thứ hai từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đưa ra yêu cầu này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD có tác dụng rất lớn tại thời điểm đó. Song hiện tại, chính sách này đã bộc lộ những mặt trái. Đáng lo nhất là đã xuất hiện tình trạng “chảy máu” ngoại tệ và tình trạng kiều hối suy giảm.
Trong khi đó, hàng trăm tấn vàng trong dân vẫn chưa có cơ chế khai thông. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế trong nước còn hạn chế, chủ trương huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất - kinh doanh là rất đúng đắn. Tuy vậy, cách huy động nguồn lực này thế nào vẫn là bài toán khó.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh (Long An), nên huy động nguồn lực trong dân, đặc biệt là kiều hối, vào sản xuất - kinh doanh, thay vì đem tiền, vàng gửi vào ngân hàng. Để làm được điều này, phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân. Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi nghiệp…
“Phải xem kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp đất nước phát triển. Do đó, cần có chính sách ưu đãi kiều hối không kém đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Đỉnh đề xuất.
Tuy vậy, thu hút vàng, ngoại tệ trong dân vào các dự án sản xuất, kinh doanh, theo giới chuyên gia ngân hàng, là không đơn giản. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngoại tệ và vàng là tài sản của người dân và không phải ai nào cũng có nhu cầu và kiến thức để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nếu huy động vốn của dân không đúng cách, sẽ sinh tác dụng ngược. Thậm chí, nếu cảm thấy nguy cơ bị kiểm soát, nguồn vàng và ngoại tệ sẽ càng co hẹp.
Hút ngoại tệ vào nền kinh tế
Huy động vàng và ngoại tệ trong dân vào phát triển kinh tế là bài toán khó, nên đến nay, đề án liên quan đến vấn đề này chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, huy động vàng trong dân vào phát triển kinh tế ra sao là vấn đề khó, vì thói quen giữ vàng “ống bơ” đã trở thành cố hữu. Vì vậy, tại thời điểm này, tập trung huy động ngoại tệ trong dân để phục vụ phát triển kinh tế.
Nên áp dụng lãi suất trở lại với tiền gửi ngoại tệ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế Hiện nay, tỷ giá trong nước vẫn đang chịu nhiều áp lực, nhất là sắp tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất. Trong khi USD thế giới tăng giá mà lãi suất USD trong nước lại áp dụng 0%, có thể sẽ gây ra tình trạng chảy máu ngoại tệ. Vì vậy, để thu hút được nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng và phục vụ phát triển kinh tế, trước hết là phải áp dụng lãi suất tiền gửi với USD. |
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để thu hút nguồn ngoại tệ vào sản xuất - kinh doanh, Chính phủ cần lập kế hoạch, chương trình, dự án… khả thi cung cấp cho các ngân hàng thương mại cổ phần để họ tư vấn cho khách hàng. Tương tự, NHNN và Ủy ban người Việt ở nước ngoài cũng cần phối hợp để quảng bá các chương trình, dự án này đến với kiều bào ở nước ngoài để họ biết cách dùng nguồn lực này có lợi.
Ngoài ra, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu chính phủ bằng USD để huy động vốn ở nước ngoài. Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cách đơn giản nhất để huy động nguồn lực ngoại tệ vào phát triển kinh tế hiện nay là cho phép huy động (có lãi suất) và cho vay USD trở lại.
Mặt khác, khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay ngoại tệ để giải ngân, toàn bộ mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ được kéo xuống. Hiện nay, lãi suất tiền đồng vẫn khá cao, vì không có “cánh kéo” từ ngoại tệ. Nếu có thêm kênh USD, lãi suất thị trường sẽ được trung hòa.
Liên quan đến mối lo đô la hóa quay lại nếu NHNN cho phép huy động USD có áp dụng lãi suất, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu tỷ lệ đô la hóa ở khoảng 10% thì không coi là nền kinh tế bị đô la hóa.
Vấn đề là NHNN cần tính toán, xác định tỷ trọng USD trong nền kinh tế ở mức nào là bình thường và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm huy động ngoại tệ vào ngân hàng, đồng thời không gây hiện tượng găm giữ, đầu cơ.
Thùy Liên / baodautu