Trong khi các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng thương hiệu đồng nhất trên toàn cầu thì Viettel lại chọn cách ngược lại. Tập đoàn này có 10 thương hiệu khác nhau tại 10 nước đã và đang đầu tư.
Cuối tuần trước, chị Lưu Ly, Trưởng phòng Truyền thông của Viettel Global đã có chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” của Viettel.
Gắn bó với Viettel hơn 10 năm thì có 8 năm chị gắn bó với thị trường ở nước ngoài. 8 năm ấy theo chị là rất “đơn độc”, vì “có quá ít người Việt đang đi cùng”. Đấy cũng chính là lý do để chị kể câu chuyện lần này với mong muốn một ngày nào đó sẽ được gặp nhiều doanh nghiệp Việt hơn trên thị trường thế giới.
“Khó khăn là đương nhiên, vì mình phải nói một ngôn ngữ khác, sống trong một văn hoá khác. Tuy nhiên, mình muốn mang lại là sự tự tin người Việt đi ra nước ngoài được”, đại diện của Viettel bắt đầu câu chuyện.
Theo đó, Viettel đã bắt đầu xúc tiến đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006. Đến nay, Viettel đã có 10 thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania, Myanmar - chưa kinh doanh), tổng số khách hàng quốc tế đạt 26 triệu, doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 15% doanh thu của toàn tập đoàn.
Trên thực tế, ngoại trừ Peru có GDP gấp 3 lần Việt Nam thì các thị trường khác đều kém phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Sự khác biệt lớn đó khiến cho Viettel phải “linh hoạt” - đây cũng chính là điểm mấu chốt lý giải tại sao Viettel có mặt ở 10 quốc gia nhưng thương hiệu này không phải là thương hiệu quốc tế.
Viettel sử dụng thương hiệu riêng biệt tại mỗi nước khác nhau
Mỗi nước một thương hiệu
“Viettel chỉ có duy nhất ở Việt Nam”, đại diện Viettel Global khẳng định. Theo đó, ở mỗi đất nước mà tập đoàn đến đầu tư thì sẽ có một mạng di động với một tên gọi riêng, logo riêng. Ví dụ Nexttel tại Cameroon, Bitel ở Peru, Metfone ở Campuchia…
Cách làm này của Viettel khác hoàn toàn các nhà mạng khác trên thế giới, như là Airtel của Ấn Độ với hình ảnh chuyên nghiệp, format giống nhau tại tất cả những điểm đến của tập đoàn này.
“Khi chúng tôi đến những nước này thì họ đã có rất nhiều nhà mạng. Nếu chúng tôi cũng như họ, bắt đầu giới thiệu Viettel là gì, đến từ đâu thì không có gì khác biệt cả. Thậm chí, nhiều người còn không biết Việt Nam ở đâu, hay chỉ nhớ đến một Việt Nam chiến tranh”, chị Lưu Ly cho biết.
Do đó, nếu làm theo lẽ thường, Viettel thua là chắc chắn. Do đó, Viettel chỉ còn “1 cửa” đó là biến Viettel thành mạng “địa phương”.
Nhân viên của Viettel đã làm việc với người bản địa để chọn ra một thương hiệu mới. Và khi xây dựng giá trị cốt lõi của công ty, phía Viettel luôn chia sẻ “đây là mạng của các bạn, chúng tôi chỉ là nhà đầu tư, một thời gian sau chúng tôi sẽ về còn tất cả là của các bạn”.
Đình Phương
Theo Trí thức trẻ