Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) Đào Huy Giám cho rằng vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa cam kết và kết quả trong việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh.
Ảnh minh họa |
"Với tốc độ này, tình hình này thì việc thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra cho môi trường kinh doanh nghe chừng còn nhiều khó khăn", ông Giám nói.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung thông điệp được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh trong một năm qua thông qua một loạt nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp... Vậy những nỗ lực này đến nay đã được các doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận thế nào?
Trao đổi với BizLIVE về vấn đề này, ông Đào Huy Giám – Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) nói:
Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại để hội nhập khu vực, quốc tế.
Tuy nhiên trong thực tiễn, vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại của doanh nghiệp cần phải được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ.
Quá trình làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng phải cũng cần được phải diễn ra liên tục. Để làm điều đó, Chính phủ đã có những biện pháp cương quyết, tổ chức bền vững chứ không phải chỉ làm một chốc rồi bỏ qua.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự biết tổ chức, vận dụng. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ biết kêu gào đòi hỏi hay có những doanh nghiệp lại quá nhút nhát, thậm chí lại có những doanh nghiệp cho đi một ít tiền để được việc của mình nhưng lại làm hỏng bộ máy, cơ chế...
Chính phủ, doanh nghiệp cùng đối thoại đề ra giải pháp. Đó là một quá trình phối hợp ăn ý. Như vậy nỗ lực tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh mới có hiệu quả.
Ông Đào Huy Giám – Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân |
Như vậy, bản thân ông thấy mức độ cải thiện như hiện này vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp?
Nhìn chung chúng ta đã có những tiến bộ về mặt chủ trương, Chính phủ và đặc biệt người đứng đầu Chính phủ luôn rất quyết liệt trước các vấn đề của doanh nghiệp. Điều này làm doanh nghiệp cảm thấy tích cực hơn, phấn khởi và kỳ vọng nhiều hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phản ánh sự tích cực này chỉ ở một số điểm, một số nơi, chứ không phải toàn bộ. Không chỉ vấn đề thủ tục, thái độ mà vấn đề trình độ trong việc ban hành chính sách của cơ quan công quyền còn bất cập.
Điển hình đó là việc ban hành Nghị quyết 148 về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng của HĐND TP. Hải Phòng vừa qua. Nghị quyết này đã vấp phải sự phản đối rất gay gắt từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Việc thu phí này có nhiều điểm bất hợp lý, có dấu hiệu tận thu tạo gánh nặng và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu vụ việc này được thừa nhận là đúng và được nhân rộng ở nhiều địa phương khác thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn thực sự.
Điều đáng nói, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xem xét, rà soát báo cáo Thủ tướng trước 20/3 vừa qua. Nhưng đến nay quá hạn lâu rồi mà vẫn chưa thấy Bộ Tài chính báo cáo gì, doanh nghiệp đang có vẻ phần thất vọng.
Điều này cũng cho thấy một trong những điểm yếu hiện nay chính là hành động, thực thi các cam kết đó. Theo quan sát của chúng tôi, vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa cam kết và kết quả.
Với tốc độ này, tình hình này thì việc thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra cho môi trường kinh doanh nghe chừng còn nhiều khó khăn.
Để thực hiện hoá thông điệp tạo điều kiện môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, bên cạnh việc ra Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Thủ tướng cũng đã tổ chức cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra năm ngoái, ngay sau khi Thủ tướng nhậm chức, năm nay dự kiến vào tháng 4 này. Ông đánh giá như thế nào về những cuộc đối thoại như thế này?
Qua theo dõi cuộc gặp năm ngoái, tôi thấy đa số ý kiến phản ánh của doanh nghiệp sát thực tế. Tuy nhiên, cũng cần đặt vấn đề là những phản ánh đưa ra có đại diện quyền lợi của một nhóm doanh nghiệp hay không?
Ý chí thực hiện là rất tốt, nhưng nếu có quá nhiều ý kiến nhỏ lẻ, không có sự phân tích tổng hợp theo từng nấc từng cấp thì sợ rằng có tác động nhưng tác động không nhiều đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi nghĩ rằng khi tổ chức những cuộc gặp này, thứ nhất là nên giới hạn một số chủ đề ưu tiên cho từng kỳ đối thoại, chẳng hạn năm nay là vấn đề thủ tục hành chính hay lĩnh vực nông nghiệp...
Thứ hai, đó là quá trình đối thoại trực tiếp nhưng cơ bản các ý kiến đã được lọc qua từng lớp, có tham vấn của chuyên gia nhằm bóc tách, tổng hợp lại thành vấn đề lớn rồi trình lên Thủ tướng.
Hay Chính phủ có thể giao cho các bộ, địa phương tổ chức đối thoại tương tự rồi có cơ chế tổng hợp thành vấn đề khái quát rồi trình Thủ tướng. Điều này nhằm tránh tình trạng vấn đề phân tán, nhỏ lẻ.
Ngoài những cuộc tiếp xúc trực tiếp như trên, doanh nghiệp cũng phản ánh họ rất hoan nghênh khi Chính phủ mở hệ thống tiếp nhận phản ánh ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân vừa qua.
Mới chưa đầy một ngày mà kênh tiếp nhận phản ánh của người dân đã nhận được 500 ý kiến, như vậy cả ngày có thể lên tới 1.000 ý kiến. Điều này cho thấy bất cập, phản ánh là rất nhiều. Mà đáng lẽ, việc phản ánh này cần phải được giải quyết ở các cấp theo thẩm quyền.
Quay trở lại vấn đề về doanh nghiệp, theo tôi, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay cần đó là cơ chế đối thoại minh bạch, hiệu quả. Trong những năm qua, các doanh nghiệp luôn kỳ vọng vào việc sẽ có tiếng nói hơn đối với việc đổi mới cơ chế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp của cả nền kinh tế.
Xin cám ơn ông!
N.Mạnh / BizLIVE