Theo cam kết đã quy định của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), từ ngày 1/1/2016, các tập đoàn tài chính nước ngoài được bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó.
Ảnh minh họa. |
Điều này đồng nghĩa với việc không cần phải có thủ tục cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con (có vốn 100% nước ngoài) như theo thỏa thuận trong WTO, khi AEC được kích hoạt, TPP được ký kết, Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường trong nước mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.
Không cần mở chi nhánh vẫn được bán dịch vụ
Theo đó, những chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay có thể thông qua đối tác của mình để huy động vốn trên thị trường trong nước thông qua các sản phẩm huy động, cho vay, phát hành trái phiếu mà không cần phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Như vậy, khi AEC kích hoạt, TPP được ký kết, rõ ràng người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn bởi tính đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính và ngân hàng.
Tuy nhiên, bối cảnh mới này sẽ đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải sẵn sàng và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập vì khi đó thị trường trong nước không còn mức bảo hộ cao như trước, các NHTM sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn không chỉ trên sân nhà mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Trước thực tế đó, các NHTM trong nước buộc phải phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có khả năng cạnh tranh quốc tế. Với năng lực tài chính và quản trị hiện tại, hiện nay các NHTM Việt Nam mới chỉ tập trung phục vụ các doanh nghiệp trong nước hoạt động tại một số thị trường như Lào, Campuchia và Myanmar.
Theo tính toán của NHNN, quy mô xuất khẩu dịch vụ ngân hàng (qua cả 4 phương thức là cung cấp dịch vụ qua biên giới, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân) của các NHTM Việt Nam còn rất nhỏ bé.
“Hiện nay chưa có số liệu để bóc tách giá trị xuất khẩu dịch vụ ngân hàng, mà vẫn được thống kê chung trong giá trị xuất khẩu dịch vụ tài chính. Tuy nhiên quy mô của xuất khẩu tài chính rất nhỏ cho thấy mức độ hạn chế của xuất khẩu dịch vụ ngân hàng”, NHNN nhận định.
Tính riêng trong năm 2014, giá trị khẩu dịch vụ tài chính của Việt Nam ước đạt 175 triệu USD, chiếm khoảng 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước. Giá trị xuất khẩu đã giảm dần từ năm 2007 dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu và đến năm 2014 mới tăng trưởng trở lại.
Hiện giá trị xuất khẩu dịch vụ tài chính của Việt Nam tương đương với một số nước trong khu vực như Thái Lan (178 triệu USD), Malaysia (190 triệu USD), Indonesia (222,9 triệu USD), tuy nhiên thấp hơn nhiều so với các nước như Singapore (20 tỷ USD), Nhật Bản (7,2 tỷ USD), Ấn Độ (5,6 tỷ USD), Trung Quốc (4,5 tỷ USD).
Do vậy, để thực sự đạt được mục tiêu hình thành các NHTM đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, cùng với việc nâng cao năng lực quản trị và hoạt động nói trên, các NHTM Việt Nam cần phải đầu tư nghiên cứu và phát triển dịch vụ, tài chính hướng tới xuất khẩu để có thể đẩy mạnh hoạt động của mình tại thị trường nước ngoài.
Cần 2 – 3 ngân hàng có sức cạnh tranh trong khu vực
Bên cạnh việc nới lỏng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào sân chơi nội địa, các NHTM Việt Nam cũng đối mặt với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể thực sự tận dụng được những cam kết ưu đãi trong quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng hoạt động ra thị trường khu vực và quốc tế.
Trong nội dung về cam kết hội nhập tài chính, các nước ASEAN đã xây dựng kế hoạch tổng thể chi tiết để hỗ trợ và nâng cao nhận thức cho các NHTM và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính trong khu vực nhằm đạt được bốn mục tiêu: tự do hoá dịch vụ tài chính, tự do hoá tài khoản vốn, phát triển và hội nhập các thị trường vốn và phát triển các dịch vụ thanh toán.
Trong đó, các nước ASEAN đang nỗ lực tìm ra một khuôn khổ chung cho các ngân hàng đạt chuẩn ASEAN. Theo đó, chỉ những ngân hàng đạt tiêu chuẩn ASEAN mới được phép mở rộng hoạt động tại các nước thành viên khác và được đối xử như ngân hàng trong nước của nước đó.
Trong số các tiêu chí để được cấp chứng nhận ngân hàng đạt chuẩn ASEAN (QABs) có hai yêu cầu bắt buộc là mức vốn đủ lớn và quản lý tốt. Như vậy, để có thể thực sự tận dụng được sân chơi chung do cộng đồng AEC tạo ra nói riêng và vươn ra các thị trường rộng lớn hơn để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước khi gia nhập thị trường quốc tế, bản thân các ngân hàng Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định mà QABs tạo ra cũng như phải ngày càng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế nói chung trong hoạt động ngân hàng.
Trước yêu cầu đó, các NHTM trong nước buộc phải cải tổ về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế theo ba bước.
Một là phải xử lý cơ bản nợ xấu. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong một vài năm tới nhằm làm sạch bảng tổng kết tài sản, lành mạnh hoá tình hình tài chính, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới.
Hai là phải nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu. Các NHTM Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình và thực hiện tăng quy mô vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II.
Đây chính là lý do mà thời gian qua Vietcombank, Vietinbank kiến nghị Chính phủ cho phép được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm mục đích tăng vốn.
Ba là phải nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro. Các NHTM cần phải thực hiện cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tổ chức theo hướng tập trung và chuyên môn hoá. Bên cạnh đó phải dần áp dụng các thông lệ tốt nhất trong quản trị rủi ro, trước mắt là tuân thủ Basel II.
Bình luận về áp lực cạnh tranh này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng các NHTM trong nước phải từng bước đạt được các yêu cầu về năng lực tài chính và quản trị tiến tới tiêu chuẩn ngân hàng khu vực ASEAN (QABs), tạo cơ sở cho việc hình thành 2-3 ngân hàng lớn có sức cạnh tranh và tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Theo TRẦN GIANG / BizLIVE